Hà Nội đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân
Trao đổi với các cơ quan báo chí sáng 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, từ kinh nghiệm của năm 2020 và một số địa phương, Hà Nội đã rất chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng.
Hà Nội có kế hoạch cho lưu thông, phân phối các nguồn hàng, có kế hoạch kiểm tra, giám sát bảo đảm cung cấp hàng hóa không có chuyện tăng giá. Ông Phong cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu), bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, hệ thống VinMart/VinMart+ đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Riêng tại Hà Nội, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán.
Về vấn đề kho bãi, thay vì trữ tại các đơn vị cung cấp, Công ty đã mở rộng các kho bãi tại Hà Nội để sẵn sàng ứng cứu trong kịch bản các siêu thị hết hàng. Hiện nay, hệ thống VinMart/VinMart+ có 4 kho bãi tại Đông Anh, Thanh Trì và 1 kho phụ trợ tại Bắc Ninh.
“Chúng tôi linh động xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như: Dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt”, đại diện Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chia sẻ.
Còn theo đại diện Công ty TNHH bán lẻ BRG, hiện nay, hầu hết các hệ thống phân phối của công ty đã có sự chuẩn bị hàng hóa cho những kịch bản. Công ty đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…
Đại diện Big C nhận định, chúng ta đang chuẩn bị cho kịch bản lớn hơn tình huống hiện tại, do đó, cần phải tính đến phương án nếu các tỉnh mà Hà Nội lấy nguồn hàng cũng xảy ra dịch bệnh. Theo đó, đơn vị sẽ tìm thêm và ưu tiên thêm các nhà cung cấp trên địa bàn, có thể tìm các nhà cung cấp nhỏ hơn.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù đang phải đối mặt với những khó khăn song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ ,website, ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng onile trực tuyến.
Trước đó, nhằm đảm bảo tổ chức hoạt động vận tải, giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, cập nhật phương án của ngành, đơn vị, địa phương và phương án của Thành phố trong việc đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Đặc biệt, quán triệt tinh thần chủ động, tự cung, cự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất, Thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm nông sản (rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản,…) trên địa bàn Thành phố, gửi Sở Công Thương, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm,… phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu phòng, chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có phương án bố trí nhân sự, phương tiện thu hoạch kịp thời nông sản thực phẩm (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm,…) với giá cả ổn định, đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội; Rà soát lại các vùng sản xuất để xây dựng phương án chuyển đổi, mở rộng sang sản xuất rau, củ, thủy sản,… có thời gian thu hoạch ngắn, nhằm chủ động nguồn hàng thiết yếu tự cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô.