Tuyển sinh ĐH, CĐ 2021: Cơ hội như nhau cho thí sinh thi khác đợt
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 2 của kỳ thi dự kiến diễn ra vào các ngày 6 và 7/8. Theo thống kê của Bộ GDĐT, có khoảng 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh thành trên cả nước sẽ dự thi. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) cho thí sinh thi đợt 2 sẽ như thế nào?
Bình đẳng về quyền lợi tuyển sinh
Đó là khẳng định của nhiều lãnh đạo trường ĐH khi được hỏi về cơ hội của thí sinh khi đăng ký tuyển sinh vào trường. PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết: Với hơn 1.600 chỉ tiêu, nhà trường áp dụng 7 phương thức tuyển sinh, trong đó dành khoảng 30% chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
“Chúng tôi không phân biệt thí sinh thi tốt nghiệp đợt 1 hay đợt 2. Các em được bình đẳng về quyền lợi trong tuyển sinh. Vì thế, 30% chỉ tiêu này là cơ hội chung cho thí sinh của cả hai đợt thi tốt nghiệp THPT. Các thí sinh thi đợt 2 cần bình tĩnh, tự tin và có tâm thế thật tốt để bước vào kỳ thi. Giảng đường đại học vẫn đón đợi các em ở phía trước… Nhà trường sẽ chờ tối đa thời gian tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2”- PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh khẳng định.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ thông tin, năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được tổ chức thành 2 đợt. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của nhà trường nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học nói chung cơ bản thành công, việc xét tuyển vẫn được thực hiện chung 1 lần. “Từ kinh nghiệm của năm trước, tôi tin năm nay các trường sẽ không bị lúng túng trong công tác tuyển sinh, nhất là khi Bộ đã có văn bản hướng dẫn kịp thời về công tác này trong tình hình dịch bệnh Covid-19”- PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh nói.
Vẫn theo PGS.TS Tú Anh: Trường hợp vì lý do bất khả kháng, kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, nhà trường sẽ triển khai các phương án tuyển sinh theo kế hoạch và chờ hướng dẫn của Bộ GDĐT để đưa ra quyết định cuối cùng. Những thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 và trúng tuyển bằng các phương thức tuyển sinh khác vẫn được “giữ chỗ” đợi ngày các em nộp kết quả là có thể nhập học.
Để phòng chống dịch Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc nộp hồ sơ tuyển sinh đại học năm 2021, nhà trường bổ sung hình thức nhận hồ sơ tuyển sinh qua email cho các phương thức: Ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất trường THPT (theo quy định của ĐH Quốc gia TP HCM); Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP HCM; Ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Trường ĐH Công nghệ Thông tin và xét tuyển dựa trên Chứng chỉ quốc tế.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Tổng chỉ tiêu tuyển năm học 2021 - 2022 của trường là hơn 7.300 sinh viên, trong đó tối thiểu 50% chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh yên tâm vì chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn rộng mở, cơ hội cho thí sinh của cả hai đợt thi như nhau. Trong trường hợp thi đợt 2 cách xa thi đợt 1, nhà trường sẽ có phương án điều chỉnh hợp lý. Tinh thần là vẫn dành chỉ tiêu cho các em thi đợt 2, bảo đảm quyền lợi xét tuyển.
Thí sinh cần chuẩn bị tâm lý thật tốt
Đưa ra lời khuyên với thí sinh dự thi đợt 2, ông Điền chia sẻ: Thay vì băn khoăn lo lắng, thời gian này các em nên nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp học tập theo thời khoá biểu hợp lý. Đặc biệt, sĩ tử cần rèn kỹ năng và chiến thuật làm bài để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Đồng quan điểm không phân biệt thí sinh dự thi đợt 1 hay đợt 2, ThS Trần Lê Trọng Phúc- Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Mở TP HCM nói rằng: Với gần 4.500 chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường áp dụng 6 phương thức xét tuyển, trong đó giành khoảng 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dù tuyển sinh bằng phương thức nào, điều kiện chung nhất vẫn là: Thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Vì thế, việc quan trọng lúc này các em cần có tâm lý thật tốt, tâm thế tự tin sẵn sàng để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Khi đó, các em sẽ có thêm nhiều cơ hội xét tuyển vào các ngành và trường đại học.
ThS Phúc cũng trấn an các thí sinh thi đợt 2: Bộ GDĐT đã có ý kiến về việc xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, dù thi đợt 1 hay đợt 2, các em yên tâm, làm bài thật tốt, cơ hội xét tuyển vào đại học của thí sinh giữa hai đợt thi là như nhau. Trường ĐH Mở TP HCM vẫn còn khoảng 50% chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (không phân biệt thi đợt 1 hay đợt 2). Trong trường hợp khoảng cách thi giữa hai đợt xa nhau, nhà trường sẽ họp hội đồng tuyển sinh để có phương án hợp lý, tinh thần là sẽ quan tâm đến thí sinh thi đợt 2, không để các em bị thiệt thòi về quyền lợi xét tuyển vào trường.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đã nhiều lần khẳng định, năm 2021, sẽ tổ chức xét tuyển, tuyển sinh ĐH sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT cả 2 đợt đã hoàn thành (áp dụng đối với cơ sở đào tạo và thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển). Như vậy, các em thi đợt 1 và 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh. Trong trường hợp này, các cơ sở đào tạo cũng không cần tính toán các phương án để dành lại chỉ tiêu xét tuyển đợt 2, cũng giống như đã thực hiện năm 2020.
“Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách giữa đợt 2 thi THPT quá xa, Bộ GDĐT sẽ có các chỉ đạo và hướng dẫn tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ. Quan điểm của Bộ GDĐT là nhất quán trong chủ trương xét tuyển chung, đảm bảo công bằng quyền lợi cho thí sinh trong cả 2 đợt thi”- bà Thủy nhấn mạnh.
Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đồng thời đảm bảo nghiêm túc, chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GDĐT: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, yếu tố an toàn cho thí sinh, cán bộ làm thi, các điểm thi phải được đặt lên hàng đầu nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Các địa phương cần sự phối hợp chặt chẽ, có đầu mối cụ thể cho từng khâu và lường tính mọi tình huống có thể xảy đến; tuyệt đối không được chủ quan trong bất kỳ khâu nào của kỳ thi, nhất là việc phòng, chống dịch bệnh. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cần có các biện pháp và phương án cụ thể đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các thành viên ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Bộ GDĐT phát huy vai trò tham mưu cho lãnh đạo Bộ, từ đó kịp thời có các điều hành đúng và trúng trong hoạt động của ngành, đảm bảo hai mục tiêu song hành là chất lượng giáo dục và an toàn phòng, chống dịch bệnh.