Vì sao các CLB V.League tránh AFF Cup?
Đa số các CLB V.League khi đưa ra quan điểm đều hiếm khi nhắc đến phương án giải đấu tổ chức song song với AFF Cup.
Ngần ngại với VFF?
Các CLB V.League đã nộp ý kiến của mình lên VPF, về lựa chọn đồng ý hay không đồng ý cho phương án dời phần còn lại của giải đấu sang tháng 2/2022. Trao đổi trên báo giới, đa phần các CLB đều đưa ra một quan điểm chung. Đó là chờ đợi vào số đông rồi sau đó cho rằng V.League nên dừng lại ngay sau 12 vòng đấu.
Nhưng thực tế, chẳng ai biết được các CLB sẽ đề xuất thế nào trong phương án tổ chức V.League ở phần còn lại. Bởi quả thực đến nay, nhìn từ những đóng góp của các CLB, họ vẫn đang dập dòm, chờ đợi những đội bóng khác sẽ làm thế nào để mình nương theo như vậy. Giống như một buổi dạy học sinh giỏi trước kia, họ cứ chờ những cánh tay đồng loạt giơ lên để mình hoà chung vào số đông cho an toàn. Nhưng không chắc rằng, những cánh tay ấy đã giơ lên để cùng chung chí hướng dừng V.League 2021.
Trở lại câu chuyện về những chia sẻ của các CLB V.League trong những ngày vừa qua. Duy chỉ Giám đốc điều hành Trần Thái Toán từ CLB Nam Định là có đề cập đến một phương án ngoài việc huỷ V.League hay tiếp tục giải đấu ở tháng 2 năm sau. Thực ra đó là một câu hỏi nghiêng về chất vấn nhiều hơn là một đề xuất từ phía Nam Định. Đó là tại sao ĐTQG đá được mà V.League không thi đấu được? Các giải đấu khác người ta vẫn làm như vậy sao mình lại không thể?
Dường như các CLB còn đó sự ngần ngại với VFF. Thực tế, nhiều năm qua, các CLB dù có kêu ca đến thế nào thì vẫn đồng thuận góp quân cho ĐTQG. Hai năm trở lại đây, dù V.League chịu ảnh hưởng rất lớn vì dịch Covid-19, các CLB vẫn gật đầu vô điều kiện mỗi khi HLV Park Hang Seo triệu tập đội bóng của họ.
Lối mòn của nền bóng đá không chuyên
Làm rõ hơn quan điểm này, thực ra về mặt lý thuyết, V.League có thể thi đấu song song với AFF Cup. Khác với vòng loại thứ 3 World Cup 2022, các trận đấu ở AFF Cup không thuộc FIFA Days (lịch thi đấu các ĐTQG). Đó là lý do vì sao những trường hợp như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan (Thái Lan) hay Neil Etherdige (Philippines) và sắp tới đây sẽ là Đặng Văn Lâm (Việt Nam) không được các CLB nước ngoài cho phép về thi đấu AFF Cup.
Năm ngoái, Thái Lan từng manh nha ý định tổ chức Thai league song song với AFF Cup. Họ sẵn sàng đưa một đội tuyển không mạnh tham dự giải đấu cấp độ khu vực Đông Nam Á. Điều đó cũng cho thấy Thái Lan đã sẵn sàng đi ngược số đông so với các đội tuyển trong khu vực thế nào. Điều đó cũng cho thấy Thái Lan đã sẵn sàng cho một tâm thế bước ra ngoài vùng trũng. Nhưng với Việt Nam, mục tiêu vô địch AFF Cup vẫn là điều gì đó giá trị với nền bóng đá quốc gia. Với chỉ 2 chức vô địch của 2 năm 1998, 2008, người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn khát thêm những danh hiệu ở mặt trận bóng đá khu vực.
Trong cán cân giữa V.League và ĐTQG, giải đấu số 1 của bóng đá nước nhà, nơi được xem là bệ phóng phát triển cho ĐTQG luôn bị xem nhẹ. Và ngay cả các CLB còn không đủ sức phản kháng dù biết rằng mình đang bị đối xử bất công thì chẳng có lý gì mà đại bộ phận người hâm mộ Việt Nam phải nghiêng về ủng hộ V.League. Nhất là khi giá trị tinh thần mà ĐTQG mang lại là lớn hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, như đã nói, các CLB V.League có thể sẵn sàng không nhả quân cho ĐTQG Việt Nam. Nhưng cũng giống như việc lựa chọn chuyện có hay không đồng tình với phương án tổ chức V.League 2021 vào tháng 2 năm sau, việc CLB nhả quân như thế nào cũng vẫn là sự lựa chọn 50-50 ở riêng từng đội. HAGL với quan điểm ủng hộ ĐTQG chắc chắn sẽ cung cấp cho HLV Park Hang Seo những cầu thủ hay nhất. Tương tự đó là Viettel, Hà Nội FC. Ở các CLB khác, dù số lượng không lớn như 3 CLB kể trên nhưng một vài cầu thủ chủ lực của CLB cũng nằm trong kế hoạch và lực lượng của đội tuyển.
Vô hình trung, sự mất cân đối ngay giữa các CLB ở V.League khiến cho giả thiết giải đấu này thi đấu song song với AFF Cup sẽ xảy ra 2 hệ luỵ. Thứ nhất, V.League sẽ mất cân bằng khi các đội bị hao hụt lực lượng, thậm chí là không có đủ người thi đấu. Thứ hai, xung đột giữa CLB và cầu thủ có thể xảy ra bất cứ khi nào. Bởi rõ ràng, mọi cầu thủ đều muốn được lên thi đấu ở ĐTQG.
Như vậy, các CLB vốn là nền tảng đóng góp nhân sự cho ĐTQG nhưng khi bơi ra biển lớn lại không thành công. Những thành tích của ĐTQG Việt Nam có thể tạo ra sự hào nhoáng trong suốt thời gian qua. Nhưng trong cốt lõi vấn đề, gọi bóng đá Việt Nam vẫn còn ở vùng trũng Đông Nam Á cũng chẳng hề sai.