Chủng Delta không thể biết được, có khi buổi sáng thức dậy tỉnh mình đã bùng phát
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, tiêu chí chống dịch tốt là cần có kịch bản đầy đủ, tránh bùng phát dịch.
Chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, không thể lấy ca nhiễm 1 tỉnh làm thành công vì với chủng Delta như hiện nay không thể biết được. Có khi buổi sáng thức dậy tỉnh mình đã bùng phát mất rồi. Cho nên tiêu chí chống dịch tốt là, ta cần có kịch bản đầy đủ, tránh bùng phát dịch.
Theo ông Hiếu, giai đoạn này cần thiết nguyên tắc chung của cả nước chống dịch với 3 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất chống lây lan tối đa; thứ 2 là giảm tỷ lệ tử vong tối đa; thứ 3 là đảm bảo phát triển kinh tế.
Về nguyên tắc giảm tỷ lệ tử vong, ông Hiếu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng. Theo đó tầng 1 là bệnh viện dã chiến, chăm sóc người nhiễm F0 (họ không có triệu chứng), nên nhiệm vụ không thể để bỏ sót khiến họ trở thành bệnh nhân thực sự. Cách ly tập trung bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm.
Có thể triển khai cách ly F0 tại nhà, các gói ứng dụng theo dõi từ xa như chúng tôi đã và đang thực hiện theo hợp đồng với Ấn Độ, Myanmar-ông Hiếu nói. Tuy nhiên theo ông Hiếu, người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần được thực hiện các gói chăm sóc: nhân viên y tế điện thoại 2 ngày/lần, sử dụng app chuyên dụng để nhận biết nguy hiểm, videocall từ xa, tủ thuốc điều trị Covid-19 tại nhà.
“Tầng 2, chúng ta đã triển khai rộng rãi nhiều năm nay đó là các bệnh viện, trung tâm y tế điều trị các bệnh nhana mức độ vừa chưa cần thở máy, lọc máu. Tuyến này cần nhất đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm, quá muộn, bổ sung máy ô xi dòng cao” - ông Hiếu cho hay.
Tầng 3 theo ông Hiếu là quan trọng nhất nhưng cũng yếu nhất đó là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, chỉ nhận các bệnh nhân cần thở máy. Nguồn lực của Trung ương cần tập trung vào đây sao cho số giường không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm.
Ví dụ ước tính có 100.000 bệnh nhân thì có 5.000 gường.