Lập đường dây nóng gỡ vướng lưu thông hàng hoá

M.Hương 26/07/2021 06:00

Sau quá trình khảo sát thực tế và làm việc với một số đơn vị, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương ghi nhận thêm một số khó khăn khiến hệ thống phân phối khó đưa hàng hoá vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Do đó, đường dây nóng liên Tổ công tác Công thương - Giao thông Vận tải đã được lập để nhanh chóng phối hợp, xử lý các vướng mắc trong lưu thông, phân phối hàng hoá.

Tạo điều kiện tối đa cho việc lưu thông hàng hóa.

Thiết lập đường dây nóng

Thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp, các nhà phân phối đang gặp phải, hai Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải đều thống nhất tháo gỡ những vướng mắc trong lưu thông hàng hoá và đây là nhiệm vụ cần phải làm ngay.

Bởi hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn còn nhiều nhưng nhiệm vụ Chính phủ giao phó là không để thiếu nguồn cung hàng hoá và không để dân thiếu lương thực thực phẩm, hàng hoá thiết yếu trong bất cứ tình huống nào. Trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải nhất trí cho phép doanh nghiệp được tự mua kit test nhanh Covid -19 (được Bộ Y tế cho phép).

Cùng với đó, vận động doanh nghiệp vận tải hỗ trợ các địa phương vận tải và tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch, tham gia vào các mô hình bán hàng thiết yếu lưu động mùa dịch. Tổ công tác cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh hỗ trợ vận chuyển cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã cung cấp đầu mối liên lạc và các mẫu thẻ nhận diện cho Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương để gửi tới Sở Công thương các tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo quy và liên hệ khi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 với các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công thương có nhiệm vụ bảo đảm việc cung ứng nguồn hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.

Tuy nhiên, việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã làm tăng áp lực cho các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và người dân khó tiếp cận nguồn hàng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, TP Hồ Chí Minh đang thiếu các địa điểm để tập kết hàng hoá thay thế cho chợ đầu mối. Vì vậy, các tỉnh, thành phố khác cần cân nhắc việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống, tránh trường hợp người dân khó tiếp cận nguồn hàng.

Phát sinh thêm khó khăn

Liên quan đến việc cung ứng hàng hoá, Tổ công tác đặc biệt cũng đã làm việc với các hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh gồm: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại (Saigon Co.op), MM Mega Market, Vinmart, Aeon, Lotte Mart để nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa và các khó khăn, vướng mắc của hệ thống phân phối từ đó đã ghi nhận các hệ thống phân phối đang gặp 4 khó khăn lớn.

Đó là, chi phí phát sinh tăng do doanh nghiệp phải chịu thêm các chi phí trong tình hình dịch bệnh bao gồm chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly cho nhân viên, chi phí vệ sinh, khử trùng.

Hơn nữa, các hệ thống đang gặp vấn đề khó khăn về kho dự trữ hàng trong trường hợp có lao động tại kho mắc Covid-19 khiến kho dự trữ phải đóng cửa nên cần có phương án về kho dự trữ thay thế. Ngoài ra, một số nhà cung cấp mặt hàng rau quả, trứng gà chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của siêu thị.

Không dừng lại ở đó, không ít doanh nghiệp cũng gặp khó khăn bởi việc thiếu nhân công làm việc tại hệ thống như: lái xe, nhân viên kho hàng, đóng gói, sơ chế, bán hàng... do các lao động mắc Covid-19.

Tổ công tác ghi nhận những khó khăn này và cho biết, Bộ Công thương sẽ có kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg để các địa phương, bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả.

Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực trong việc thiếu nhân viên bán hàng, nhân viên logistic, lái xe, chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Đồng thời, các địa phương có chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu.

M.Hương