Thực hiện Chỉ thị 16: Người dân yên tâm phòng, chống dịch

Minh Phương 26/07/2021 07:38

Bước sang ngày thứ hai Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mọi thứ dường như đi vào nề nếp, trật tự hơn so với ngày trước đó. Dọc các tuyến phố Hà Nội, các cửa hàng, hiệu thời trang đóng cửa “lặng như tờ”, trong khi đó tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, tình hình hoạt động cũng trật tự hơn, mọi người dân đi chợ đều tuân thủ quy định 5K.

Người dân đi chợ, siêu thị đều thực hiện nghiêm quy định 5K. Ảnh Phạm Quang Vinh.

Các chợ, siêu thị đều thực hiện 5K

Đi dọc các tuyến phố Cầu Giấy, Kim Mã, những con phố đông đúc bậc nhất Hà Nội ngày này đã trở nên thưa thớt, vắng lặng, rất ít xe cộ đi lại. Hai bên đường các tuyến phố này, các cửa hàng thời trang, cà phê, ngày thường tấp nập là thế giờ đây đều đóng chặt cửa, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng khách ghé thăm.

Tại Ngã tư Cửa Nam - Nguyễn Thái Học - Hàng Bông - Tràng Thi ngày thường sầm uất, sôi động là vậy nhưng trong ngày thứ hai Hà Nội thực hiện giãn cách, các cửa hàng đã tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị 16, không một cửa hàng, quán cà phê hay quán ăn nào mở cửa.

Tại các chợ lớn như Thành Công, Nhân Chính, Ngọc Hà... nếu như sáng sớm hôm qua, trước giờ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân còn chen nhau đông nghịt để mua hàng thì đến ngày hôm sau đã không còn cảnh tượng chen chúc mua sắm, người dân đi chợ tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, giãn cách, không tụ tập đông người. Mỗi người chỉ dừng lại một vài phút mua những đồ mình cần rồi đi ngay. Tại các chợ, đều có lực lượng chức năng lập rào chắn đo nhiệt độ cho người dân trước khi vào chợ.

Bà Nguyễn Thu Quế (Nhân Hòa, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sáng 25/7, bà đi chợ Nhân Chính đã thấy vắng vẻ hơn ngày hôm trước. “Hàng hóa không có dấu hiệu tăng giá, thịt bò, thịt lợn vẫn giữ giá như trước thời điểm chưa giãn cách. Thịt bò vẫn dao động ở mức 150.000 đồng-300.000 đồng/kg tùy loại.

Thịt lợn cũng không có dấu hiệu tăng. Giá rau củ quả vẫn khá ổn định. Tôi mua mỗi thứ một chút đủ dùng trong một, hai ngày, không mua quá nhiều và cũng không dừng quá lâu tại các quầy bán hàng để nói chuyện như những ngày trước”, bà Quế cho biết và chia sẻ thêm, ngày thường đi chợ là hay rủ bà hàng xóm đi cùng cho “có chị có em” vui vẻ nhưng giờ là đi một mình nhanh nhanh chóng chóng về nhà để tránh dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Không khan hiếm hàng hóa

Tình hình giá cả tại các siêu thị như Vinmart, Minimart Haprfood... giá thực phẩm cũng vẫn ổn định, thậm chí nhiều siêu thị còn đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Hàng hóa tại các siêu thị cũng rất dồi dào, phong phú, không hề có tình trạng khan hàng.

Bản thân Sở Công thương Hà Nội cũng khẳng định, hàng hóa sẽ được cung cấp dồi dào nên người dân không lo chuyện khan hàng, sốt giá.

Theo khẳng định của bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hàng hóa, lương thực thực phẩm hiện đang rất dồi dào. Các hệ thống phân phối đều tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu lên 30-50% trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với thời điểm không giãn cách.

Tổng trị giá hàng hóa dự trữ lên đến 194.000 tỷ đồng, bao gồm 17 mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, theo bà Lan, các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là gần 5.700 tỷ đồng.

Cũng theo bà Lan, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, 2.383 điểm bán hàng hóa bình ổn giá và hàng chục ngàn cửa hàng tạp hóa... sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn Thủ đô.

Thêm nữa, để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí 1.920 điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán cố định và các điểm bán lưu động khi cần thiết, sẵn sàng huy động hàng ngàn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các huyện đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, để người dân yên tâm phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16.

Minh Phương