Tái hiện hình ảnh mẹ Thứ trong MV 'Màu hoa đỏ'
Với mong muốn gửi tri ân tới những người mẹ, người chị, các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, ca sĩ Thanh Thọ, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ trẻ Hà Nội đã thực hiện MV “Màu hoa đỏ”.
Báo Đại Đoàn Kết đã có trao đổi với ca sĩ Thanh Thọ về những tâm huyết và tình cảm trong MV đặc biệt nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
PV: Thưa chị! “Màu hoa đỏ” đã được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện, lý do gì chị lại chọn ca khúc này thể hiện trong MV?
Ca sĩ Thanh Thọ: Theo tôi, “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sỹ Thuận Yến là một ca khúc hay, xúc động khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ từ giã mái tranh nghèo ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành “đá núi”. “Màu hoa đỏ” còn khắc họa hình ảnh người mẹ già tóc bạc mỏi mắt chờ con… Tôi nghĩ hiếm có bài hát nào hay hơn, phù hợp hơn để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng nhân ngày 27/7.
Còn một lý do nữa mà tôi chọn ca khúc này vì đó là bài hát tôi đạt HCV tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành Giao thông vận tải năm 2002. Nhiều người lao động ngành Giao thông vận tải có thể quên tên tôi, nhưng khi gặp lại tôi họ đều gọi tôi là với tên thân thương là “Màu hoa đỏ”.
Điều gì thôi thúc chị thực hiện MV này?
- Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bà cố tôi là mẹ Việt Nam anh hùng vì có 3 người con trai thì cả 3 đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà ngoại tôi cũng là thương binh bị tù đày, tra tấn phải cắn đứt lưỡi chứ nhất định không khai. Tuổi thơ của tôi chứng kiến cảnh các bà, các dì, cậu tôi đi tìm hài cốt của một người ông đã hy sinh năm 1964 mà đến tận năm 2002 mới tìm được để quy tập về nghĩa trang quê nhà, lúc bấy giờ bà cố tôi đã qua đời 10 năm.
Hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau của chiến tranh, nỗi đau của từng người thân trong gia đình mình. Trong suốt gần 20 năm qua cứ đến tháng 7 tôi thường cùng những người bạn cùng chí hướng tổ chức dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang như Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang... Chính vị vậy, tôi có tâm nguyện làm MV để thể hiện tình cảm của mình qua ca khúc “Màu hoa đỏ” bằng chính tiếng hát của mình để tri ân những người ông của tôi, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu và mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng những đứa con thân yêu của mình cho Tổ quốc.
Được biết phần hình ảnh trong MV đã được chị và ekip thực hiện hết sức công phu. Xin chị hay chia sẻ về hành trình thực hiện MV đặc biệt này?
- Từ khi có ý tưởng đến khi hình thành MV “Màu hoa đỏ” gần 2 tháng. Công đoạn không kém phần khó khăn là tìm người hoà âm, phối khí. Ban đầu tôi đã có ý tưởng và tìm người hòa âm, phối khí cho bài hát nhưng tôi không ưng ý. Sau này, tôi mới nhận được bản phối ưng ý của nhạc sĩ Nguyễn Minh Hiếu, đoàn văn công Biên phòng. Giai điệu của bản phối càng thôi thúc tôi phải xây dựng một MV xứng tầm với nó, vừa xúc động, vừa hào hùng... Từ đó, tôi bắt đầu xây dựng kịch bản mặc dù chưa tập luyện, thu thanh, nghe âm nhạc tôi đã trào nước mắt rồi.
Ý tưởng về MV cứ mỗi khoảnh khắc, mỗi ngày được dâng lên, tôi sợ những gì tôi nghĩ chưa thật xứng tầm với MV. Tôi chọn bối cảnh là tượng đài mẹ Thứ, mộ mẹ Thứ ở Quảng Nam và nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn nơi có 6000 người con ưu tú của Quảng Nam đã ngã xuống. Công việc tôi đặt ra lúc này có tính chất quyết định là tìm ekip quay MV tại thành phố Đà Nẵng, quê hương yêu dấu của tôi.
Rất may sau khi trao đổi với ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng, Quang Hào đã nhận trách nhiệm sản xuất MV giúp tôi. Khi đã có ekip giúp đỡ hoàn thành MV, bản thân tôi càng áp lực hơn vì sợ kịch bản của mình chưa xứng tầm với ca khúc, không chuyển tải được hết sự hy sinh của mẹ Thứ, người mẹ Quảng Nam đã hiến dâng cho tổ quốc 9 người con.
Hình ảnh mẹ Thứ ngồi bên mâm cơm với 9 cái bát, 9 đôi đũa cứ hiện lên đau đáu thôi thúc tôi phải thực hiện cho bằng được mặc dù có quá nhiều khó khăn thử thách. Như có một sợi dây tâm linh kết nối, tôi gọi điện cho Lê Thanh Phong, biên tập viên dân ca nhạc cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), trưởng đoàn Dân ca ví dặm Unessco. Sau khi nghe tôi chia sẻ tâm nguyện, rất may mắn Thanh Phong nhận lời giúp tôi hoàn thiện kịch bản tái hiện cuộc đời mẹ Thứ.
Phong sưu tầm được những câu thơ không rõ tác giả mà Phong vô tình đọc được rất xúc động phần đầu MV. Vậy là tôi yên tâm đi thu thanh và bay về Đà Nẵng cùng ekip tìm diễn viên. Trong vòng 1 tuần vừa tìm diễn viên vào các vai mẹ Thứ đến các con của mẹ từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành, anh quân bưu, những người hàng xóm… tất cả gần 30 diễn viên. Khó khăn nhất là tìm nhân vật hoá thân mẹ Thứ, ekip đã tìm và gửi hình ảnh cho tôi gương mặt nhiều người phụ nữ nhưng tôi thấy không ổn, không yên tâm, không duyệt được.
Cuối cùng cũng tìm được NSƯT Huỳnh Minh Hải, trưởng đoàn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng vào vai mẹ Thứ từ trẻ đến già. Một khó khăn cũng không kém phần quan trọng nữa là tìm một ngôi nhà tranh vách đất để quay ngôi nhà mẹ Thứ mà ekip săn lùng cả Đà Nẵng và khắp Quảng Nam 3 ngày ròng rã không tìm ra. Lúc bấy giờ trong đầu tôi nảy ra ý định nếu không tìm được phải thuê phục dựng ngôi nhà mẹ Thứ cho bằng được, nhưng rất may ekip đã tìm được ngôi nhà như thế tại Công viên ấn tượng Hội An.
Cảm xúc của chị thế nào khi “đứa con tình thần” của mình được hoàn thành ?
- Từ khi có nhận bản phối, ý tưởng kịch bản, đọc tư liệu về mẹ Thứ đến khi nhận kịch bản từ Lê Thanh Phong không ngày nào là tôi không bồi hồi xúc động với nỗi đau của mẹ Thứ khi nhận giấy báo tử lần lượt của 9 người con thân yêu của mình... Cuối cùng MV cũng hoàn thành đúng tâm nguyện, tôi được thắp nến tri ân trước mộ mẹ Thứ và hơn 6000 ngôi mộ của những người con ưu tú của đất Quảng đã ngã xuống vì độc, tự do, thống nhất đất nước. MV dựng xong cũng đúng ngày 27/7/2020, tôi thắp nén tâm nhang trước bàn thờ tổ tiên của gia đình để vái vọng các ông tôi và những anh hùng liệt sĩ, những người mẹ Việt Nam đã hiến dâng cho tổ quốc những người con thân yêu của mình, tôi nhớ tôi đã rất hạnh phúc mà thốt ra rằng “ tâm nguyện con đã thành hiện thực, cuộc sống của con có thể dừng lại ở đây con cũng mãn nguyện rồi…”.
Trong những ngày đặc biệt này, thông qua ca khúc, chị muốn gửi gắm gì các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy sinh vì Tổ quốc?
- Thông qua ca khúc tôi muốn thay lời các thế hệ người Việt Nam đang kế thừa truyền thống vẻ vang của dân tộc, đời đời ghi nhớ công ơn thế hệ các mẹ, các chị, các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Xin cảm ơn chị!