TTVN tại Olympic Tokyo: Nỗ lực hết mình
Ngày thi đấu thứ 3 (26/7) của đoàn TTVN tại Olympic tiếp tục ghi nhận những nỗ lực thi đấu hết mình của các VĐV Việt Nam. Thi đấu đầy nỗ lực và quyết tâm nhưng tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã thi đấu hay trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan, Trung Quốc) nhưng chừng đó là chưa đủ để cô tạo nên bất ngờ.
Ở ngày thi đấu thứ 3 tại Olympic Tokyo 2020, đoàn TTVN có tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh bước vào thi đấu gặp tay vợt từng đứng đầu thế giới người Đài Loan (Trung Quốc) - Tai Tzu Ying tại nhà thi đấu Musashino Sport Plaza, cách Làng VĐV Olympic 32,6 km. Trận đấu này mang tính chất tranh ngôi nhất bảng P sau khi 2 tay vợt đều giành chiến thắng ở trận ra quân.
Tai Tzu Ying là thử thách lớn nhất của Thùy Linh tại bảng đấu của mình. Tay vợt nữ 22 tuổi, tay vợt này từng đứng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thế giới vào tháng 12/2016 và nắm giữ kỷ lục đứng đầu tới 148 tuần trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới. Gần đây nhất, cô cũng đứng ở vị trí số 1 thế giới vào tháng 3 năm nay. Tay vợt này cũng từng đạt HCV đơn nữ tại Asian Games 2018, tổ chức tại Palembang, Indonesia, HCB đơn nữ tại Đại hội thể thao lớn nhất châu lục vào năm 2014, tại Incheon, Hàn Quốc. Cô cũng từng đoạt 2, 1 HCB tại giải vô địch châu Á vào các năm 2017, 2018, 2015.
Trong khi đó, Thuỳ Linh đang ở hạng 49 thế giới. Vì thế việc đối đầu với tay vợt số 1 thế giới, chắc chắn sẽ là khó khăn lớn cho Thuỳ Linh. Khoảng cách quá lớn về trình độ nên mục tiêu của Thuỳ Linh là cố gắng vượt qua chính mình. Đây cũng là cơ hội quí khi Linh có cơ hội cọ xát với đối thủ số 1 thế giới để học hỏi, rút ra kinh nghiệm thi đấu cho bản thân. Tuy nhiên theo HLV Ngô Trung Dũng, cả hai thầy trò đã nghiên cứu kỹ lối đánh của tay vợt nữ số 1 thế giới này để đưa ra đấu pháp phù hợp.
Ở trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp tới lúc này của mình khi đối đầu tay vợt số một thế giới, Thùy Linh thi đấu tự tin và khiến nhiều người bất ngờ với cách nhập cuộc của mình. Tay vợt Việt Nam liên tục dẫn điểm nhờ khả năng phòng thủ tốt cùng những pha đánh lỗi của Tzu Ying. Thùy Linh cho dù không có nhiều pha đập uy lực, nhưng khả năng điều, cắt cầu tốt và chắt chiu từng điểm số đã giúp cô liên tục dẫn trước với khoảng cách 2 điểm cho tới điểm số 16. Thế nhưng, bản lĩnh và kinh nghiệm của tay vợt hàng đầu thế giới đã được Tzu Ying thể hiện ở thời điểm này khi liên tục điều cầu khắp mặt sân nhằm bào mòn thể lực của Thùy Linh. Sau khi bị dẫn 14-16, Tzu Ying đã liên tiếp ghi điểm với những cú đập uy lực. Tay vợt Đài Loan (Trung Quốc) ghi liền 7 điểm để kết thúc set đầu với tỷ số 21-16.
Sang set 2, Tzu Ying thể hiện đẳng cấp tay vợt hàng đầu thế giới, với những cú đánh tốc độ. Dù Thùy Linh vẫn cho thấy nỗ lực và quyết tâm trong mỗi đường cầu nhưng khoảng cách về trình độ khiến tay vợt sinh năm 1997 không thể tạo được thế trận tốt trước đối thủ. Thùy Linh liên tục bị dẫn với khoảng cách sâu: 2-7, 3-11, 5-12, 7-14. Những cố gắng cuối trận cũng chỉ giúp tay vợt 23 tuổi có thêm 4 điểm số nữa trước khi chịu thất bại 11-21 sau 39 phút thi đấu.
Dù phải nhận thất bại chung cuộc 2-0 nhưng sự tự tin, nỗ lực hết mình của tay vợt lần đầu tham dự Olympic Nguyễn Thùy Linh xứng đáng nhận được những lời khen ngợi. Việc được thi đấu với tay vợt nữ số 1 thế giới cũng là cơ hội để Thùy Linh cọ xát, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện mình hơn trong thời gian tới. Hài lòng về học trò đã rất tự tin, nỗ lực trong trận đấu gặp tay vợt số 1 thế giới và là hạt giống thứ 2 tại của Olympic Tokyo 2020,
HLV Ngô Trung Dũng hài lòng với tinh thần và nỗ lực thi đấu của học trò và cho biết: “Linh đã chơi rất tập trung, chắt chiu từng điểm một. Rất tiếc là ở hiệp 1 khi đã dẫn được 16-14 thì em lại mất kiểm soát. Đây là thời điểm quan trọng để Tai Tzu Ying vượt lên và giành chiến thắng 2-0. Tuy nhiên việc được đến với đấu trường lớn nhất thế giới, được đánh với tay số số 1 thế giới, là cơ hội tốt để thầy trò tôi học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để cố gắng hơn trong tương lai”. Trận thua trước Tai Tzu Ying khiến Linh gần như không còn cơ hội đi tiếp, bởi chỉ có tay vợt nhất bảng mới góp mặt ở vòng loại trực tiếp. Ngày 28/7, Linh sẽ gặp Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ) ở trận cuối bảng P.
Chiều cùng ngày, nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng bước vào thi đấu vòng loại cự ly 200 m tự do nữ tại Tokyo Aquatics Center.
Ánh Viên đã thất bại trong việc tìm chuẩn A hai nội dung này nhưng may mắn đã mỉm cười với Ánh Viên khi cô vẫn có vé đến Nhật Bản nhờ suất dành cho VĐV đạt chuẩn B ở hai nội dung 800 m tự do (thành tích 8 phút 48,65 giây), 200 m tự do (thành tích 2 phút 0,75 giây).
Nếu so về thành tích, trong số những VĐV đã vượt qua vòng loại để có mặt tại Nhật Bản, Ánh Viên xếp hạng 24 trong tổng số 29 VĐV ở nội dung 200 m tự do. Tại Olympic Rio 2016, Ánh Viên từng đứng thứ 9 ở vòng loại nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nữ.
Giống như Thuỳ Linh, khoảng cách của Ánh Viên với các đối thủ mạnh tầm cỡ thế giới còn xa và mục tiêu của Viên cũng sẽ là vượt qua chính mình. Kỳ vọng vào Ánh Viên ở Olympic là không lớn khi trong suốt thời gian dài chỉ tập luyện và quẩn quanh các giải đấu trong nước vì dịch bệnh.
Trong đợt bơi vòng loại 200 m tự do nữ chiều 26/7, Ánh Viên đã về cuối cùng ở lượt bơi thứ 2 của nội dung này với thành tích 2’05”30 xếp thứ 26 trong 29 VĐV thi đấu vòng loại. Kết quả này của Ánh Viên không đủ để giúp cô góp mặt ở vòng bán kết, nơi quy tụ 16 kình ngư có thành tích tốt tại vòng loại.
Người về đích đầu tiên trong đợt bơi thứ 2 vòng loại 200m tự do nữ là Katie Ledecky (Mỹ) với thành tích 1 phút 55,28 giây. VĐV Penny Oleksiak (Canada) về thứ 2 với thành tích 1 phút 55,38 giây. Còn người về thứ 3 là Madison Wilson (Úc) với thành tích 1 phút 55,87 giây. Kình ngư Việt Nam sẽ tham dự nội dung 800 m tự do nữ vào ngày 29/7. Đây cũng là nội dung cuối của Ánh Viên tại Tokyo 2020.
Đoàn TTVN đặt mục tiêu giành được 1 huy chương tại Olympic Tokyo. Sau thất bại của lực sĩ Thạch Kim Tuấn - niềm hy vọng lớn nhất, mục tiêu giành huy chương của thể thao Việt Nam đang cạn dần. Nhận xét về kết quả sau 3 ngày thi đấu đầu tiên của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh, do khoảng cách của chúng ta tới đấu trường lớn nhất thế giới còn xa, chỉ có một số ít nội dung có thể dần tiếp cận được nên điều quan trọng là các VĐV học được gì từ đấu trường này. “Các VĐV giành kết quả chưa tốt và kể cả các VĐV có kết quả thi đấu tốt cũng sẽ phải rút ra bài học để sau này thi đấu tốt hơn hoặc sẽ truyền lại kinh nghiệm để thế hệ đàn em hoặc các học trò sau này, có thể học tập kinh nghiệm từ người đi trước”, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh.
Những thành viên đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam sẽ về nước ngày 30/7
Sau khi kết thúc nội dung thi đấu của mình, các thành viên trong đoàn thể thao Việt Nam sẽ lần lượt về nước. Ngày 30/7, các môn: rowing, bắn súng, taekwondo, judo, thể dục dụng cụ cũng sẽ lên đường về nước. Trước khi lên máy bay, các thành viên trong đoàn đều được kiểm tra COVID-19. Các thành viên đoàn thể thao Việt Nam sẽ về và cách ly y tế tại một khách sạn ở Hà Nội. Trong khi đó, chuyên gia Kim Kil Tae (taekwondo) là người rời Tokyo sớm nhất (ngày 26/7) sau khi VĐV của ông là Trương Thị Kim Tuyền đã thi đấu xong.