Vì sao điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung èo uột?
Theo quy hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 24 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung (cơ sở). Thế nhưng cho đến nay, dù trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 6 cơ sở đưa vào hoạt động nhưng đều kém hiệu quả và trong tình trạng “thu không đủ bù chi”.
Hoạt động kém hiệu quả
Sau rất nhiều thời gian thu hút, vận động, thậm chí là xây dựng các cơ chế hỗ trợ thì đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có 6 doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, đảm bảo các quy định về thú y. 6 cơ sở này tập trung ở TP Hạ Long (2 cơ sở), TP Cẩm Phả (1 cơ sở), TP Uông Bí (2 cơ sở) và thị xã Đông Triều (1 cơ sở). Đến nay, cả 6 cơ sở này đang hoạt động dưới mức 50% công suất thiết kế.
Thái Hòa (TP Cẩm Phả) được đánh giá là cơ sở hoạt động đạt công suất cao nhất trong 6 cơ sở với số lượng trung bình từ 100 đến 120 con gia súc/ngày. Công suất này không làm Thái Hòa thua lỗ nhưng chỉ đủ để trang trải các chi phí vận hành.
Các cơ sở khác vẫn phải bù lỗ một phần. Riêng 2 cơ sở giết mổ tập trung là Đức Hà (TP Uông Bí) và Hồng Thái Tây (thị xã Đông Triều), mỗi ngày chỉ có khoảng 20-30 con lợn được đưa vào giết mổ, bằng 10-15% công suất thiết kế, không đủ để bù đắp chi phí hoạt động.
Hiện các cơ sở này đều hoạt động rất khó khăn. Đáng nói Đức Hà và Hồng Thái Tây là 2 cơ sở đầu tư bài bản nhất, đảm bảo đủ các yếu tố quy định khắt khe như khoảng cách, diện tích, thiết kế, các hạng mục hạ tầng đến thiết bị giết mổ...
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thú y Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 630 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đây là những cơ sở tự phát, nằm trong các khu dân cư, không đảm bảo các điều kiện giết mổ theo quy định và không được cấp phép vệ sinh thú y nhưng vẫn hoạt động hàng ngày.
Trung bình mỗi ngày các cơ sở này giết mổ, đưa ra thị trường hàng nghìn con gia súc và hàng chục nghìn con gia cầm các loại. Đây là lý do chính khiến nguồn lợn vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung thấp và ngày càng giảm. Nhiều chủ đầu tư vào lĩnh vực này đứng trước nguy cơ phá sản.
Không thể chờ mãi vào sự hỗ trợ từ ngân sách
Để thu hút các doanh nghiệp và người dân đầu tư vào các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, từ năm 2016 đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách hỗ trợ những hộ gia đình, cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào các cơ sở giết mổ tập trung với tổng số tiền là hơn 44,3 tỷ đồng.
Trong thời gian thực hiện hỗ trợ của tỉnh, số lượng gia súc gia cầm đưa vào các cơ sở này còn ổn định giúp chủ đầu tư bù đắp các chi phí hoạt động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, chính sách hỗ trợ người dân mang gia súc gia cầm đến các cơ sở tập trung không còn dẫn đến lượng giết mổ của các cơ sở này giảm mạnh.
Thống kê của tỉnh cho thấy, giai đoạn từ 2015 đến nay, Quảng Ninh đã dành hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ việc xây dựng và thúc đẩy hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung (gần 10 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng và hơn 44 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cá nhân).
Tuy nhiên, sau một thời gian thì các cơ sở này đều hoạt động rất “èo uột”. Nguyên nhân được chỉ ra là do các địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quá xa chợ, xa nơi tiêu thụ sản phẩm nhưng lại chưa có giải pháp hợp lý cho việc vận chuyển thực phẩm sau giết mổ đến nơi tiêu thụ nên khó khăn trong việc thu gom các điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, do chưa xây dựng được đủ các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch nên dẫn đến tình trạng khó xử lý đối với các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Chỗ xử lý, chỗ không xử lý sẽ gây bất công và bất bình trong nhân dân. Do vậy, các cấp chính quyền phường, xã cũng “ngại va chạm”. Vì vậy, hoạt động của các điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn diễn ra sôi động.
Như vậy, sau gần 7 năm tỉnh Quảng Ninh triển khai Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, với hơn 50 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhưng kết quả thu lại không được như kỳ vọng.
Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng một Đề án và hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho việc thu hút các nhà đầu tư và người dân đưa gia súc gia cầm vào các cơ sở giết mổ tập trung nhưng khi hết cơ chế hỗ trợ là các cơ sở lại rơi vào tình trạng không cạnh tranh được với điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là do chính quyền cơ sở vẫn còn buông lỏng quản lý để các điểm giết mổ nhỏ lẻ tồn tại, gây mất vệ sinh môi trường khu dân cư và không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để giải bài toán này, vấn đề tiên quyết là phải giải quyết được các điểm giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo quy định, không để các điểm nhỏ lẻ “giết” các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung như đang diễn ra tại Quảng Ninh.