Phát huy vai trò khu du lịch quốc gia
Bộ VHTTDL đang tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia (KDLQG). Đây được xem bước quan trọng phát huy vai trò KDLKQG trở thành động lực đầu tàu phát triển kinh tế du lịch ở các địa phương, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển du lịch Việt Nam.
Vẫn còn lúng túng
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện tại, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG.
Trong đó, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KDLQG; 6 địa điểm được công nhận là KDLQG gồm KDLQG Hồ Tuyền Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Sapa (tỉnh Lào Cai), Núi Sam (tỉnh An Giang), Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) và Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).
Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 29 Luật Du lịch giao Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia nhưng sau gần 4 năm thực hiện Luật Du lịch, Chính phủ vẫn chưa quy định nội dung này. Do đó, tồn tại nhiều cách thức quản lý khác nhau và không thống nhất, gây khó khăn và lúng túng trong việc quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia.
Thực tế cho thấy, trong 6 KDLQG, 43 địa điểm tiềm năng, có 27 khu du lịch đã thành lập BQL hoặc giao một cơ quan chức năng quản lý, 20 khu chưa có đơn vị đầu mối quản lý, do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý trực tiếp; 2 khu do doanh nghiệp (DN) đầu tư, quản lý và khai thác.
Đơn cử BQL là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở NNPTNT, Cục Kiểm Lâm và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi, BQL gặp nhiều khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ vì có nhiều chủ thể quản lý KDLQG.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như công tác đề xuất của BQL chưa kịp thời; số lượng biên chế và ngân sách hạn chế; không có đầy đủ thẩm quyền để quản lý; công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã không thuận lợi. Đặc biệt, đối với những BQL mô hình này thì công tác phát triển du lịch chưa thực sự được quan tâm.
Hay như BQL do DN nên các quyết định quản lý và phát triển khu du lịch rất nhanh chóng, hiệu quả. Hơn nữa, DN thường tuyển chọn được những nhân sự có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng khu du lịch phụ thuộc vào chủ đầu tư, do đó, trong trường hợp chủ đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính hoặc không có đủ khả năng huy động vốn sẽ dẫn tới chậm tiến độ, thậm chí dừng triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng không nhỏ tới quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch của địa phương. Mặt khác, đôi khi vì tối đa hóa lợi nhuận, các DN chưa thực hiện đúng những quy định của pháp luật.
Tinh gọn bộ máy
Với những bất cập trong quản lý KDLQG, dự thảo Nghị định sẽ được kết cấu gồm 3 chương và 14 điều. Theo đó, đối với KDLQG do DN đầu tư thì UBND cấp tỉnh không thành lập Ban BQL. DN có trách nhiệm quản lý và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để quản lý khu du lịch quốc gia theo quy định.
Đối với khu du lịch quốc gia có ranh giới trong hoặc trùng với ranh giới vườn quốc gia, khu di tích đã có BQL chuyên ngành, UBND cấp tỉnh xem xét thành lập BQL khu du lịch quốc gia hoặc tổ chức lại BQL chuyên ngành theo quy định.
Đối với khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, UBND cấp tỉnh thành lập BQL KDLQG trong phạm vi lãnh thổ quản lý và thống nhất với tỉnh còn lại ban hành quy chế phối hợp để quản lý và khai thác khu du lịch quốc gia.
Đối với KDLQG có tài nguyên được tổ chức thế giới công nhận, UBND cấp tỉnh tổ chức lại BQL KDLQG theo quy định. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định, BQL KDLQG phải thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan tới các quy định, cam kết của tổ chức thế giới mà Việt Nam tham gia…
Bên cạnh đó, theo dự thảo Nghị định, BQL KDLQG có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển KDLQG dài hạn, trung hạn, hằng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; các chủ trương, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KDLQG, các chương trình, dự án đầu tư phát triển trong KDLQG. Đồng thời, tham gia ý kiến đối với các dự án đầu tư trong phạm vi KDLQG; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt bảo đảm đúng quy hoạch.
Ngoài ra, các BQL có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiên cứu, đánh giá, xác định sức chứa của KDLQG để quản lý và tổ chức khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch; nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu điểm đến KDLQG; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá KDLQG tới thị trường trong nước và quốc tế; hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách du lịch; cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển KDLQG; liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch trong phạm vi KDLQG.
Quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch; tư vấn, hỗ trợ hoạt động đầu tư, khai thác kinh doanh phát triển du lịch trong phạm vi KDLQG.
Kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong KDLQG; lập biên bản ban đầu, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.