Nhiều ngân hàng vượt rào tín dụng

H.Hương 27/07/2021 07:02

Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019 gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra sai sót của nhiều ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng thời gian qua.

Theo KTNN, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank) vượt 13.656 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vượt 8.654 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baovietbank) vượt 3.153 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh TP. HCM vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) vượt 69 tỷ đồng.

Cấp “quota” tín dụng là giải pháp điều hành của NHNN sử dụng trong điều hành chính sách tiền tệ. Và theo đánh giá của chính NHNN, đây là công cụ hữu hiệu vừa đảm bảo tín dụng tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng vừa đảm bảo chất lượng.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng nhấn mạnh trong cuộc họp của ngành diễn ra cuối tháng 6 vừa qua rằng, tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu, trong khi thị trường cung ứng vốn ở các nước khác từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu.

Nếu như không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hoà, hợp lý cũng tạo ra sự bất ổn ngay tại các ngân hàng thương mại. Nếu ồ ạt đưa tín dụng ra thị trường chất lượng sẽ không đảm bảo. Như vậy 1-2 năm, nợ xấu của nền kinh tế sẽ dâng lên. Tất cả bất ổn của nền kinh tế vĩ mô sẽ xuất hiện.

Hiện nay, giải pháp điều hành “trần tín dụng” này cũng đã được nhiều chuyên gia khuyến nghị dỡ bỏ sớm vì năm nào NHNN cũng phải điều chỉnh room tín dụng cho các TCTD, nhưng rồi lại “lộ” ngay tình trạng các ngân hàng vượt rào.

Trở lại với báo cáo của KTNN, cơ quan này cũng cho rằng, NHNN quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp. Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Một số đơn vị hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác. Cụ thể, Vietcombank ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định đối với các khoản nợ được cơ cấu lại 85,47 tỷ đồng; hạch toán thiếu 29,25 tỷ đồng phí bảo lãnh, phí phát hành L/C; hạch toán thừa lãi dự chi 19,07 tỷ đồng. Agribank hạch toán thừa lãi dự thu 114,7 tỷ đồng…

Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn hạn chế.

Cũng với đó, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, ngân hàng này đã xóa nợ 19,44 tỷ đồng cho nhiều khách hàng được coi là “mất tích” theo xác nhận của chính quyền cấp xã, không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong đó, có 17 trường hợp vẫn đóng bảo hiểm xã hội; điều chỉnh kế hoạch vốn Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa kịp thời dẫn đến năm 2018, 2019 có 3.135 trường hợp không được vay lãi suất ưu đãi tương ứng tiền lãi ưu đãi 2,56 tỷ đồng; áp dụng thời gian ân hạn 12 tháng đối với hầu hết các khoản cho vay học sinh - sinh viên không phù hợp quy định; chính sách giảm lãi cho học sinh - sinh viên khi trả nợ trước hạn còn bất cập.

H.Hương