Vụ án chiếm đoạt hơn 2.300 tỷ đồng tại Công ty Alibaba: Lập 22 pháp nhân, vẽ 58 dự án ‘ảo’, lừa đảo gần 4.000 người
Bị can Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) là đối tượng chủ mưu, người trực tiếp thành lập và điều hành mạng lưới lừa bán đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, qua đó lừa đảo hơn 2.373 tỷ đồng của gần 4.000 nạn nhân.
Ngày 27/7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hồ Chí Minh tiếp nhận kết luận điều tra bổ sung của cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP HCM về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Trong lần thứ 2 điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT đã bổ sung nhiều nội dung kết luận liên quan đến giám định tài sản do VKSND TP Hồ Chí Minh yêu cầu.
Cụ thể, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) tiếp tục bị cáo buộc là chủ mưu vụ án, người thành lập và điều hành phương thức lừa đảo hơn 2.373 tỷ đồng. Trong đó, Luyện chịu trách nhiệm chính khi lập ra 22 pháp nhân khác nhau, để hợp thức hóa pháp nhân trong việc vẽ ra 58 dự án bất động sản trên đất nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, TP HCM,..).
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, các pháp nhân kể trên tự phân lô, tách thửa đất trái pháp luật để bán cho 3.924 bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 2.373 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Thái Luyện góp vốn khoảng 80%, trong khi 2 cổ đông lớn khác là các thành viên trong gia đình, gồm Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực đóng góp số tiền còn lại. Công ty hoạt động theo hình thức công ty gia đình và cùng một mục đích được phân nhiệm vụ cho từng thành viên để thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp, sau đó tự “vẽ” ra nhiều dự án khác nhau và đều không có thật, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép làm dự án,…
Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, các nhân viên công ty Alibaba tổ chức quảng cáo rầm rộ để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng. Đáng chú ý, các dự án ma do Công ty CP Địa ốc Alibaba tự “vẽ” ra, dưới sự chỉ đạo của Luyện cùng các anh em và gia đình mình được xác định là thủ đoạn tinh vi, núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp.
Kết luận điều tra bổ sung cũng xác định vai trò của Nguyễn Thái Luyện đào tạo nhân viên, tư vấn khách hàng đầu tư vào các dự án khác nhau, với hứa hẹn bán với giá cao hơn 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng.
Công ty hứa hẹn sẵn sàng thuê lại với giá bằng 2%/tháng kể từ ngày ký hợp đồng nếu khách hàng thanh toán đủ 95% giá trị lô đất. Từ đó, kết luận điều tra bổ sung xác định ngoài chủ mưu là Nguyễn Thái Luyện, còn có 19 đồng phạm cùng bị đề nghị truy tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, một số bị can bị cáo buộc tội “rửa tiền”.
Các đồng phạm này là lãnh đạo của 22 pháp nhân khác nhau do Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo thành lập, tiêu biểu có các bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ của Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm); Nguyễn Thái Lực (em ruột Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh); Huỳnh Thị Kim Thắng (26 tuổi, Kế toán trưởng Công ty Alibaba). Cả 3 đồng phạm này đều bị đề nghị truy tố về tội “rửa tiền”, bên cạnh hành vi lừa đảo.
Theo cơ quan CSĐT, các đối tượng Mai, Lực và Thắng đều phải chịu trách nhiệm trong việc chuyển số tiền 13 tỷ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được từ khách hàng qua các tài khoản cá nhân khác nhau.
Đây chính là hành vi để che giấu nguồn gốc, sau đó rút và sử dụng cho cá nhân. Bước đầu tại cơ quan chức năng, Võ Thị Thanh Mai đã khai sử dụng hết số tiền kể trên vào việc tiêu xài cá nhân và trả tiền vay bên ngoài, đến nay cơ quan CSĐT chưa thu hồi được.
Các bị can Huỳnh Thị Kim Thắng và Nguyễn Thái Lực cũng bước đầu thừa nhận dù biết rõ số tiền 13 tỷ là do Nguyễn Thái Luyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có, nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo chuyển khoản tiền đi, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc khoản tiền.
Các chiêu thức vẽ “dự án ma” trên đất nông nghiệp do Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, được xác định là thủ đoạn tinh vi, núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp. Đây là một trong những vụ án lừa đảo có tính chất, mức độ quy mô lớn trong ngành bất động sản cho đến nay.