Người mang tinh thần ‘Chữ thập đỏ’
Sâu sát đến từng chi hội, tích cực hướng dẫn những giải pháp đưa phong trào từ thiện của phường được lan tỏa rộng khắp, đó là những điều mà nguời dân thấy được ở bà Lê Thị Mai, 75 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, luôn gương mẫu, hăng hái trong công tác nhân đạo, thiện nguyện.
4 năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Tâm, hình ảnh bà Lê Thị Mai với những bước chân nhanh nhẹn đi vận động hội viên, người dân tham gia hoạt động thiện nguyện hay những chuyến xe vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm từ nhà bà đến các nơi không còn xa lạ với người dân trong khu phố.
Nhưng không phải ai cũng biết người phụ nữ có gương mặt phúc hậu ấy đã từng là giám đốc một xí nghiệp xây dựng. Sự nhiệt huyết, quyết đoán vẫn luôn thường trực trong bà, nhất là khi bà tiếp tục lựa chọn tham gia công tác xã hội, tham gia công tác Chữ thập đỏ để thấy niềm vui của người khác là niềm vui của mình, như bà chia sẻ.
Hội Ong Chăm - do chính bà thành lập, từ một hội đan len nhỏ, sau 5 năm đã trở thành một tổ chức thiện nguyện. Cứ nơi nào gặp khó lại có bóng dáng của bà và các thành viên Ong Chăm. 200 chiếc mũ len cùng các nhu yếu phẩm khác từng được các thành viên Ong Chăm vận chuyển đến tận nơi, trao tận tay cho người dân tại Hà Giang trong đợt lũ năm vừa qua.
“Các cháu nhỏ ở Hà Giang rất thích những món quà của nhóm đan len gửi tặng và đó chính là niềm vui, là động lực để chúng tôi tiếp tục góp sức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hơn”, bà Mai tâm sự.
Nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ là làm công tác nhân đạo. Giá trị của nhân đạo là giá trị về đạo đức của con người, về sự yêu thương, bảo vệ con người, là giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nâng niu, trân trọng, đề cao phẩm giá con người.
Đối với bà Mai những giá trị ấy được đề cao trong mỗi việc làm mà bà luôn cố gắng kêu gọi những người xung quanh mình thực hiện, khi giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và giúp đỡ ngay chính hàng xóm, láng giềng của mình khi lâm vào những tình thế khốn khó trong “bão dịch”.
Trong đợt dịch bùng phát vào tháng 5/2021 vừa qua, trên địa bàn phường Đồng Tâm có khu vực nhà E2, tập thể Đại La phải cách ly y tế do có trường hợp dương tính với Covid-19, người dân trong khu cách ly không được ra ngoài mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Ngay lập tức, bà Mai cùng các hội viên Hội Chữ thập đỏ phường đã tổ chức vận động, tặng quà động viên tinh thần cho người dân đang thực hiện cách ly.
Cũng trong những ngày dịch bệnh, bà Mai đã cùng với các cán bộ ở phường vận động được nguồn tài trợ từ các bác sĩ đang công tác trên địa bàn TP Hà Nội với số tiền 68 triệu đồng để hỗ trợ cho những bệnh nhân tại “xóm chạy thận” ở 121 Lê Thanh Nghị.
Bên cạnh vận động ủng hộ, bà Mai cùng các hội viên trong Chi hội Phụ nữ phường thường xuyên tổ chức bếp ăn từ thiện cho các gia đình trong “xóm chạy thận”. Những suất cơm ấm tình người đã giúp cho bà con “xóm chạy thận” vơi bớt đi khó nhọc trong những ngày vừa lo chữa bệnh vừa lo chống dịch.
“Mỗi lần đến xóm trọ của các bệnh nhân chạy thận, xót xa lắm. Cái gì cũng thiếu. Người thì đơn côi, không có ai bên cạnh, người thì đằng đẵng 20 năm chạy thận ở đây. Không chỉ chống chọi với nỗi đau bệnh tật họ còn phải đối diện với bao lo toan, bộn bề trong cuộc sống. Vì vậy, mỗi hội viên chúng tôi đều cố gắng vận động được chút nào hay chút ấy để giúp họ vơi bớt đi phần nào khó nhọc”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Tâm chia sẻ.
Nếu như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành một hình ảnh rất quen thuộc thì các tình nguyện viên, hội viên Chữ thập đỏ như bà Mai đã trở thành hình ảnh thân thương. Không chỉ ở hoạt động nhân đạo, không chỉ là những trợ giúp bằng vật chất và tinh thần, trực tiếp với những người cần giúp đỡ, mà bất cứ khi nào, ở đâu có khó khăn là ở đó thấy bà Mai xuất hiện, việc nào cũng làm gắng hết sức mình.
Trong những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch, nhiều việc làm thiện nguyện xuất phát từ lòng nhân ái và sự nhiệt huyết của bà Lê Thị Mai càng lan toả tinh thần “Chữ thập đỏ” lan toả tình yêu thương, sự quý trọng để chia sẻ và bảo vệ con người trong những ngày gian khó.