Thao túng văn bản?
Ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước căn cứ công văn này “tham khảo, lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho người bệnh Covid-19, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và F1 tại địa phương”.
Kèm theo công văn này có phụ lục với danh mục nhiều sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm: Sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe. Đáng chú ý, các sản phẩm nằm trong danh mục này lại chủ yếu do 5 đơn vị sản xuất, trong khi đó, các sản phẩm tương tự được bán trên thị trường rất nhiều.
Trong danh mục “Phòng và hỗ trợ điều trị” ban hành kèm theo công văn kể trên có khá nhiều sản phẩm lạ, mà chỉ xin kể tên 2 sản phẩm: Viên nang Kovir và Xuyên Tâm Liên.
Hai sản phẩm này nhờ phần mô tả “phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp” (viên nang Kovir) và “Chỉ định: viêm đường hô hấp” (Xuyên tâm liên) nên có vẻ uy tín đối với phần đông những người không có nhiều kiến thức y tế.
Vài ngày qua, tại các cửa hiệu thuốc, Xuyên tâm liên không còn để bán, muốn mua phải đặt trước với giá “cao hơn đấy nhé”. Trong khi đó loại thuốc Viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cũng thông báo giá sốc.
Theo đó, viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1.250.000 đồng áp dụng từ 19/7. Một bảng báo giá đề Sao Thái Dương phát hành ngày 24/7 (ngày ban hành Công văn 5944) còn báo giá Bộ sản phẩm dùng để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 như sau: Set dành cho F0 tại bệnh viện gồm 4 loại giá 4,185 triệu đồng; set F1 tại bệnh viện giá 1,435 triệu đồng. Tương tự F0 tại nhà: 6,685 triệu đồng và F1 tại nhà: 3,935 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng những loại thuốc Đông y và sản phẩm từ dược liệu bán chạy vài ngày qua do uy tín và được chọn vào “danh mục của Bộ Y tế”. Thực tế, khi lý giải về việc thuốc Xuyên tâm liên tăng giá, một nhân viên bán thuốc cho báo chí hay, sau khi có thông tin Bộ Y tế quyết định dùng Xuyên tâm liên - một vị thuốc nam để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 ít triệu chứng, nhiều người đổ xô tìm mua loại thuốc này.
“Nhiều người đổ xô đi mua”, “thuốc tăng giá” có lẽ là hiệu ứng mà khi ban hành văn bản, các nhà chuyên môn của Bộ Y tế chưa tính đến. Về góc độ tư vấn chuyên môn, việc Bộ Y tế nghiên cứu về các loại thuốc Đông y và chế phẩm từ dược liệu có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh là nên làm.
Tuy nhiên, Bộ chỉ nên đưa ra các loại thuốc với thành phần A, B, C để cơ sở y tế căn cứ xác định sản phẩm tương ứng. Chứ không thể ấn định bằng một danh sách hổ lốn (có cả những thuốc không liên quan như Hoạt huyết Nhất Nhất) giống hệt “chỉ định thầu”.
Công văn đã bị thu hồi. Người mua thuốc giá cao thì không trả được. Sắp tới có thể có cán bộ bị xử lý. Tuy nhiên, nếu không chặt chẽ trong quá trình quản lý thì có thể sẽ có những sản phẩm tương tự viên nang Kovir hay Xuyên tâm liên có mặt tại các văn bản của Bộ Y tế. Hậu quả không chỉ là đánh vào túi tiền người bệnh với giá thuốc tăng mà còn là niềm tin vào cơ quan chức năng nhất là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về khám chữa bệnh.
Đó là việc của tương lai. Còn bây giờ, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi: Có lợi ích nhóm đằng sau Công văn “chỉ mặt đặt tên” thuốc Đông y và sản phẩm từ dược liệu kia hay không?