Hàng loạt chủ đầu tư bán tháo homestay
Dịch Covid-19 kéo dài trong suốt gần 2 năm qua khiến lượng khách du lịch đến Ninh Bình giảm mạnh. Điều này dẫn tới việc, chủ đầu tư rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ lãi ngân hàng, buộc phải bán tháo hàng loạt homestay để trả nợ.
Sau khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam vào đầu năm 2020, trên các website như: batdongsan.com.vn, ancu.me, nhadepdattot.com, dangbannhadat.vn, landphatdat.com, vatgia.com… đã bắt đầu xuất hiện thông tin một số homestay tại các khu du lịch ở Ninh Bình được đăng bán.
Đến cuối tháng 4/2021, khi đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng phát, chủ các homestay đã không thể chịu nổi “nhiệt”, đồng loạt đăng bán nhiều homestay với giá “ưu đãi” trên khắp cái website và các diễn đàn mạng xã hội. Được biết, phần lớn các homestay này nằm tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (huyện Hoa Lư)…
Anh Lê Văn Trọng - chủ Westlake homestay (xã Ninh Hải) cho biết: Sau khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên ập đến, lượng khách trong và ngoài nước đến du lịch và thuê homestay đã sụt giảm trầm trọng. Nhận thấy tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, ngay trong tháng 4/2020, anh đã đăng bán homestay rộng 450 m2, có vị trí đắc địa cạnh bờ hồ Tam Cốc của mình lên các website với giá 15 tỷ.
“Sau khi đăng bán, có rất nhiều khách gọi điện hỏi thông tin nhưng không ai đến gặp hay mua cả. Đến thời điểm này, tôi rao bán homestay lên mạng chỉ còn khoảng 12 tỷ, đã giảm 3 tỷ so với năm 2020 nhưng vẫn chưa bán được. Suốt hơn 1 năm qua, lãi ngân hàng cứ tăng thêm từng tháng, không biết bao giờ tôi mới trả nổi được đây”, anh Trọng thở dài.
May mắn hơn anh Trọng, chị Nguyễn Thị Bắc, chủ một homestay ở thôn Khê Thượng (xã Ninh Xuân) đã bán được homestay rộng gần 1.000 m2 bao gồm 9 căn bungalow, 1 nhà khách, 3 phòng ngủ gia đình, 1 bếp, 1 công trình phụ, 1 nhà kho với giá 8,5 tỷ vào tháng 4/2021.
“Từ năm 2017 đến trước khi có dịch Covid-19 thì homestay kinh doanh rất ổn định, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 cứ tiếp diễn khiến khách du lịch không có, cộng với tiền điện, nước và các chi phí duy trì khác không trụ nổi. Bởi vậy, trong tháng 4/2021, tôi đã rao và bán được homestay với giá 8,5 tỷ, từ đó cũng có nguồn tiền để trả ngân hàng”, chị Bắc tâm sự.
Khi hỏi về các giấy tờ pháp lý liên quan đến đất đai và việc kinh doanh homestay, anh Trọng, chị Bắc hay phần lớn các chủ homestay khác đều khẳng định chắc nịch rằng cơ sở của mình có đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy phép PCCC, giấy chứng nhận ATVSTP…
Theo nhiều người làm giao dịch bất động sản tại huyện Hoa Lư, nợ ngân hàng là lý do chính khiến các chủ homestay phải bán tháo tài sản. Năm 2020, khi dịch Covid-19 vừa ập đến, nhiều chủ homestay vẫn chưa lường rõ được dịch bệnh có thể kéo dài, bởi vậy nên họ vẫn nấn ná, nuôi hy vọng dịch sớm qua để trở lại kinh doanh du lịch.
Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều chủ homestay đã phải chấp nhận hiện thực rằng dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và cùng với số nợ cứ nhân lên theo từng ngày nên họ đành phải bán tháo homestay để trả nợ ngân hàng.
Theo mặt bằng chung, dù giá homestay năm nay đã giảm khá nhiều so với năm ngoái nhưng để bán được hiện vẫn rất khó. Mặc dù rao bán hàng loạt, nhưng thực tế các thương vụ “chốt khách” vẫn còn khá ít. Nhiều chủ cơ sở vẫn đang cố cầm cự, còn bên mua đang thăm dò để “bắt đáy” khi giá xuống thấp hơn nữa.
Trao đổi chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 100 homestay nằm chủ yếu tại các thôn Văn Lâm, Hải Nham, Đam Khê Ngoài, Đam Khê Trong. “Theo tôi, việc hàng loạt homestay đang được rao bán là do chủ các cơ sở thiếu nợ ngân hàng. Việc buôn bán homestay trong suốt hơn 1 năm qua chúng tôi có biết, nhưng việc giao dịch là của chủ cơ sở và khách hàng nên chính quyền không tham gia. Hơn 100 homestay trên địa bàn xã thì đều có giấy tờ pháp lý đầy đủ cả”, ông Hoạt khẳng định.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khu vực quần thể danh thắng Tràng An có 16 vụ vi phạm trật tự xây dựng, trong đó, vi phạm chủ yếu xảy ra trên địa bàn xã Ninh Hải với 13 vụ. Các vi phạm này xảy ra trong vùng đệm và vùng lõi của di sản Tràng An, hầu hết là xây dựng theo mô hình homestay để kinh doanh lưu trú núp bóng xây dựng, cải tạo nhà ở.