Ca nhiễm chạm ngưỡng 75.000 ca, TP Hồ Chí Minh khẩn trương nâng cấp hạ tầng y tế

Hồng Phúc 28/07/2021 17:15

Áp lực về hạ tầng y tế điều trị Covid-19 của TP HCM đang ngày một lớn hơn khi tổng số ca nhiễm tại thành phố kể từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay đã chạm ngưỡng gần 75.000 ca, trong khi đó các bệnh viện, cơ sở y tế đang duy trì điều trị đối với gần 40.000 bệnh nhân (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương)…

Đó là thông tin do Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 TP HCM cho biết vào ngày 28/7, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu quyết liệt hơn trong năng lực điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2, nhất là các ca nặng và nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Bệnh viện dã chiến số 16 của TP HCM đưa vào hoạt động khẩn trương vào ngày 28/7.
Bệnh viện dã chiến số 16 của TP HCM đưa vào hoạt động khẩn trương vào ngày 28/7.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch, đánh giá về ngưỡng người mắc Covid-19 đã có trên 68.000 người (tính đến 27/7) và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, thành phố hiện có 38 bệnh viện trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân cũng đã tiếp nhận gần hết công suất thu dung, điều trị.

Trước tình hình kể trên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giao cho Trung tâm cấp cứu 115 tham gia vào làm đầu mối về điều phối chuyển bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng đến các Bệnh viện dã chiến thu dung và bệnh nhân nặng nguy kịch đến Bệnh viện điều trị Covid-19.

Theo báo cáo của Trung tâm cấp cứu 115, vừa qua riêng Tổng đài 115 hàng ngày tiếp nhận tất cả các cuộc gọi đến, sau đó sàng lọc và đáp ứng các cuộc gọi đó. Từ 6 đường truyền trước đây, trung tâm đã nâng lên với 14 đường truyền tổng đài viên, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu các cuộc gọi về. Ngoài ra, thành phố cũng cần sớm khắc phục các bất cập liên quan đến xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân.

Cũng theo đại diện Trung tâm cấp cứu 115, hiện nay xe không đủ để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19. Trong khi đó, hệ thống xe cứu thương ngoài vận chuyển bệnh nhân còn phải làm các công tác khác như đi làm xét nghiệm, tiêm vaccine,...sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn. Hiện Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ quản lý 23 chiếc và vừa về thêm 6 chiếc, nhưng cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu của các quận huyện.

Trước vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết, hiện nay Công viên phần mềm Quang Trung đã hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng,… để thành phố mở thêm một nhánh Tổng đài 115 dã chiến tại khu vực này, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tiếp nhận thông tin và điều động nhân lực, phương tiện vận chuyển bệnh nhân Covid-19 sẽ được nhanh chóng, khắc phục một số bất cập thời gian qua.

Để chuẩn bị cho kịch bản tăng ngưỡng bệnh nhân điều trị lên cao hơn, Sở Y tế TP HCM cũng có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế, với khoảng 200 xe, để phục vụ nhiệm vụ cấp cứu. Các phương tiện này gắn chặt địa bàn quận huyện thông qua cơ sở cách ly quận huyện.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, ngành y tế thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh việc thành lập 4 trung tâm cấp cứu khu vực (vệ tinh) để đồng bộ các đầu mối. Ngoài ra, các xe taxi chuyển đổi đều có điều dưỡng và bình oxy, các đơn vị cần chủ động và yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ xe cung cấp mỗi trạm vệ tinh có một đội xe taxi chuyển đổi. Tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân F0.

Ngay trong ngày 28/7, TP HCM đã gấp rút đưa vào hoạt động chính thức Bệnh viện Dã chiến số 16, với quy mô gần 3.000 giường sau 20 ngày tức tốc xây dựng. Trong ngày đầu tiên, Bệnh viện Dã chiến số 16 có gần 700 giường. Hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường, số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8 tới đây. Bệnh viện Dã chiến số 16 hiện do Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận, vận hành.

Số ca nhiễm mới liên tục tăng khiến TP HCM liên tục thay đổi kịch bản để ứng phó. Trước đó, tại cuộc họp ngày 19/7 Sở Y tế TP HCM mới dự báo các kịch bản có 30.000 ca F0 đến 60.000 ca để chuẩn bị sẵn các trang thiết bị, bệnh viện dã chiến và các bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân nặng. Trong đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam nêu trong tình huống xấu hơn, TP HCM đã xây dựng kịch bản có 60.000 ca nhiễm. Trong tình hình đó, thành phố phải tiếp tục xây dựng các bệnh viện dã chiến mới tại huyện Bình Chánh để thu dung điều trị, cách ly các ca F0.

Mặc dù vậy, chỉ hơn một tuần lễ, báo cáo từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM thông tin vào ngày 28/7 đã cho biết, từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay số ca nhiễm tại thành phố đã chạm ngưỡng gần 75.000 ca, trong khi đó các bệnh viện, cơ sở y tế đang duy trì điều trị đối với gần 40.000 bệnh nhân (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương)…

Hồng Phúc