Hà Nội: Những điều cần biết khi đăng ký tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

Lan Anh 28/07/2021 19:10

Hiện, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện "chiến dịch" tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, được kéo dài hơn 9 tháng. Người dân có thể tiếp tục đăng ký tiêm vaccine Covid-19 như thế nào? Và để được tiêm chủng, người dân cần đáp ứng những điều kiện gì?

Từ tháng 7/2021 đến 4/2022, trên 5,1 triệu người dân tại Hà Nội được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sẽ được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, sau đó mở rộng sang các đối tượng khác tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả 3 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Người dân nào cũng có thể đăng ký tiêm vaccine

Trong chiến dịch tiêm vaccine lần này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 - 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên. Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

Một trong những điểm tiêm vaccine trên địa bàn TP Hà Nội.

Bất kể ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng, nhà chức trách sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng để sắp xếp địa điểm tiêm phòng.

Người dân có thể đăng ký theo 2 cách

Một là, người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khoẻ điện tử".

Ảnh minh họa.

Hai là đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.

Đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trực tuyến

Để đăng ký tiêm, người dân cần kê khai đầy đủ thông tin cá nhân trên bảng đăng ký như: Họ tên, Ngày tháng năm sinh, Giới tính, Số điện thoại, Số chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu, Địa chỉ, Nghề nghiệp, và Ngày muốn được tiêm (dự kiến), tiền sử bệnh tật...

Sau khi nhấn nút "Xác nhận" đồng ý tiêm, thông tin sẽ được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, từ đó lập danh sách để khi có vaccine sẽ hẹn thời gian người dân đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Bên cạnh việc theo dõi phản ứng sau tiêm, quản lý sức khỏe sau tiêm, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách; số lượng liều vaccine được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày tại các cơ sở tiêm chủng... Người dân cũng có thể tra cứu kết quả đăng ký tiêm, tra cứu chứng nhận tiêm trên cổng thông tin này.

Sau khi được tiêm, thông tin tiêm chủng của người tiêm như số mũi vaccine, chủng loại vaccine, ngày tiêm sẽ được cập nhật. Thông qua màu của mã QR code được cấp của mỗi người dân sau khi đăng ký tiêm sẽ biết tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó. Và đây sẽ là căn cứ cho “hộ chiếu vaccine” sau này.

Các giấy tờ cần hoàn thiện

Để việc tiêm chủng phòng Covid-19 diễn ra an toàn và nhanh chóng, trước khi đi tiêm và sau khi đã được tiêm chủng người dân cần hoàn thiện các mẫu giấy tờ sau: Khai báo y tế; Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng; Phiếu đồng ý tiêm; Phiếu theo dõi sau tiêm...

Ảnh minh họa.

Người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng

Theo quy định, vaccine phòng Covid-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18-65 tuổi. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu. Căn cứ vào tình hình sức khoẻ của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không.

Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng.

Thông tin về các loại vaccine được tiêm

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, đối với vaccine phòng Covid-19 BNT162b2 (Comirnaty) của Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý và tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 .

Ảnh minh họa.

Sở Y tế lưu ý vaccine này đã được bảo quản trong nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày, bao gồm thời gian bảo quản, vận chuyển và tiêm chủng.

Đối với vaccine phòng Covid-19 Moderna, thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm vaccine. Vaccine này được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C nên phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày, bao gồm thời gian bảo quản, vận chuyển và tiêm chủng.

Đối với vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, đảm bảo khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vaccine sớm thì có thể thực hiện mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu chuyển đối tượng thận trọng cần tiêm chủng tại bệnh viện hoặc các cơ sở có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu theo phân cấp các điểm tiếp nhận của Sở Y tế. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm chủng.

Sẽ hẹn lịch đối với từng người dân

Để bảo đảm giãn cách, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại điểm tiêm, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trước khi tiêm chủng sẽ gọi từng người, nhắn tin điện thoại mời từng người đến tiêm chủng theo thứ tự.

Thêm vào đó, khi đến điểm tiêm, người dân cần tuân thủ quy định tại điểm tiêm, thực hiện đầy đủ quy định "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Ảnh minh họa.

Việc đăng ký tiêm qua mạng chỉ là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng. Thêm vào đó, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vaccine của Bộ Y tế.

Quy trình tiêm chủng vaccine trên địa bàn

Được biết, quận Hoàn Kiếm triển khai 7 điểm tiêm chủng, trong đó điểm tiêm lớn nhất đặt tại trường THCS Trưng Vương với công suất đạt tới 1.000 mũi/ngày với 5 dây tiêm, các điểm lẻ khác có thể tiêm khoảng 600 mũi/ngày với 3 dây tiêm... Mục tiêu toàn quận có thể đạt 4.000 mũi/ngày.

Tại khu vực khám sàng lọc, người dân sẽ được cán bộ y tế thông báo cụ thể những trường hợp hoãn tiêm chủng, gồm: người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Người dân xếp hàng chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19.

Những ai không đạt tiêu chuẩn về sức khỏe như huyết áp quá cao hoặc quá thấp sẽ được nghỉ ngơi để đo lại hoặc tiêm vào lần sau. Tại mỗi điểm tiêm lưu động của quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai 1-2 kíp trực cấp cứu và xe cứu thương.

Sau khi tiêm, người dân được hướng dẫn ngồi nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút trước khi ra về. Nhân viên y tế cũng hướng dẫn chi tiết về các biểu hiện bất thường cần quay lại hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Hiện các cơ quan chức năng của Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân.

Lan Anh