Bắc Ninh: TAND Thị xã Từ Sơn làm trái quy định, 'làm ngơ’ trước sai phạm?

Quang Thành - Hoàng Chiến 30/07/2021 15:16

Một vụ tranh chấp thừa kế tài sản đã tồn tại dai dẳng gần 20 năm tại phường Đình Bảng – TX Từ Sơn nhưng chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm. Đỉnh điểm là gần đây, TAND TX Từ Sơn phụ trách vụ tranh chấp này cố tình làm trái các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho hành vi biến đổi tình trạng tài sản tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của phía nguyên đơn.

Tòa án Nhân dân thị xã Từ Sơn ( Bắc Ninh).

Gần hai mươi năm chính quyền đùn đẩy trách nhiệm giải quyết

Theo đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Danh Tiến (62 tuổi, trú tại phường Đình Bảng, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) gửi về Báo Đại Đoàn Kết, mảnh đất 548 m2 tại thôn Thọ Môn, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (nay là phường Đình Bảng, TX Từ Sơn) là tài sản chung của ông Nguyễn Danh Nhân (SN 1923, mất năm 1993) và bà Nguyễn Thị Chắt (97 tuổi), được mua vào tháng 2/1981.

Hai ông bà có 6 người con chung là Nguyễn Danh Hoà, Nguyễn Danh Bình, Nguyễn Danh Thắng, Nguyễn Danh Tiến, Nguyễn Danh Hiệp và Nguyễn Thị Liên. Sau khi ông Nhân mất đã không để lại di chúc và phía gia đình chưa có cuộc họp nào phân chia tài sản thừa kế.

Sau khi mua nhà, đất nêu trên, ông Nguyễn Danh Thắng đã lập gia đình và sống trong ngôi nhà cổ mà bố mẹ là vợ chồng ông Nhân mua. Năm 1984 và 1990, ông Nguyễn Danh Tiến và Nguyễn Danh Hiệp lần lượt lập gia đình, được ông Nhân, bà Chắt cho xây nhà trên hai phần đất cạnh ngôi nhà ông Thắng đang sử dụng.

Ngôi nhà cổ đã bị ông Thắng phá bỏ và đang cho xây dựng nhà.

Hiện nay, diện tích đất 548 m2 nêu trên hiện được tách làm 5 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 7 thuộc khu phố Thọ Môn, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh lần lượt đứng tên của ông Nguyễn Danh Thắng (2 thửa), Nguyễn Thị Chắt (2 thửa) và Nguyễn Danh Hiệp (1 thửa).

Tháng 5/2021, ông Thắng đã phá huỷ toàn bộ ngôi nhà cổ mà ông Nhân, bà Chắt mua từ năm 1981. Do đó, di sản thừa kế của ông Nhân để lại được xác định là ½ nhà và quyền sử dụng diện tích đất 548 m2tại thôn Thọ Môn, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn nêu trên.

Từ tháng 5/2021, căn nhà cổ đã bị phá hủy toàn bộ.

Tuy nhiên, một phần thửa đất trên ông Tiến cho rằng đã bị ông Thắng kê khai gian dối để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà chưa nhận được sự đồng ý của mẹ là bà Nguyễn Thị Chắt. Ngày 22/9/2003, bà Chắt có gửi đơn lên UBND xã Đình Bảng và UBND TX Từ Sơn yêu cầu thu hồi GCNQSDĐ của ông Thắng.

Sau đó, ông Nguyễn Danh Tiến cũng có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét việc ông Thắng kê khai gian dối hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ. Đơn thư của ông Tiến và bà Chắt đã được thụ lý nhưng không hiểu vì lý do gì UBND phường Đình Bảng cho rằng thẩm quyền thuộc UBND TX Từ Sơn. Còn khi chuyển đơn lên UBND TX Từ Sơn thì thị xã lại chuyển hồ sơ về lại phường giải quyết.

Trong gần hai mươi năm kể từ tháng 10/2003 đến tháng 5/2021, ông Tiến cùng mẹ đã nhận được ít nhất 6 lần chuyển đơn của UBND phường Đình Bảng và UBND TX Từ Sơn do đùn đẩy trách nhiệm giải quyết từ hai cơ quan này.

Như vậy, dù đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu thu hồi GCNQSDĐ của ông Thắng lên chính quyền phường Đình Bảng và TX Từ Sơn trong nhiều năm, tuy nhiên đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa một lần giải quyết thỏa đáng.

TAND TX Từ Sơn cố tình làm trái quy định pháp luật?

Do vậy, phía gia đình ông Tiến đã tiến hành làm đơn khởi kiện ông Thắng đến TAND TX Từ Sơn yêu cầu về việc chia thừa kế tài sản và hủy GCNQSDĐ. Đến ngày 1/7/2021, TAND TX Từ Sơn đã ra Thông báo thụ lý vụ án số 72/2021/TB-TLVA đối với vụ án chia thừa kế và huỷ GCNQSDĐgiữa nguyên đơn là ông Nguyễn Danh Tiến và Bị đơn là ông Nguyễn Danh Thắng.

Ngày 19/7/2021, phía gia đình ông Tiến có đơn yêu cầu TAND TX Từ Sơn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc xây dựng nhà của ông Thắng trên thửa đất đang tranh chấp.

Ngày 19/7/2021, ông Nguyễn Danh Thắng tiếp tục xây dựng trên thửa đất đang trang chấp.

Ngày 23/7/2021, Thẩm phán phụ trách vụ việc - bà Nguyễn Thị Thu Hà đã xuống địa điểm thửa đất đang tranh chấp để xem xét và lấy ý kiến của nguyên đơn, bị đơn với sự tham gia của UBND phường Đình Bảng. Tại buổi làm việc này, bà Hà đã yêu cầu bên bị đơn phải dừng xây dựng và bên bị đơn không có ý kiến phản đối về nội dung này.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau – vào sáng sớm 24/7/2021, ông Thắng tiếp tục cho xây dựng, cố ý làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp bằng hành vi đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đổ móng nền xây nhà kiên cố, chuẩn bị đổ trần nhà.

Căn nhà mới được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, phía gia đình ông Tiến lập tức có văn bản yêu cầu ông Thắng phải dừng xây dựng vì hành vi làm thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp này là trái luật và tài sản được xây dựng thêm là bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông Thắng không nhận văn bản, trái lại còn tiếp tục cho người thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng đến nay, đã gần hoàn thiện xong phần móng.

Ngày 26/7/2021, phía gia đình ông Tiến tiếp tục gửi đơn đến TAND TX Từ Sơn đề nghị được nhận di sản thừa kế bằng hiện vật là quyền sử dụng đất. Cùng ngày, có đơn gửi TAND TX Từ Sơn trình bày rõ việc ông Thắng đang cố ý đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành công trình trên đất đang tranh chấp, cố ý gây cản trở cho việc giải quyết phân chia thừa kế nhận di sản bằng hiện vật của ông Tiến.

Đồng thời đề nghị khẩn cấp Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hà phải nhanh chóng giải quyết đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông Tiến, được thực hiện biện pháp bảo đảm và sau đó ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của gia đình ông Tiến gửi đến TAND TX Từ Sơn.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đã 8 ngày trôi qua kể từ thời điểm ông Tiến có đơn yêu cầu, và hơn 24 giờ trôi qua kể từ thời điểm gửi đơn yêu cầu khẩn cấp nhưng phía Thẩm phán TAND TX Từ Sơn vẫn im lặng, không hề có bất cứ yêu cầu nào phía nguyên đơn phải thực hiện biện pháp bảo đảm hay ra thông báo trả lời không chấp nhận yêu cầu.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Hoàng Thị Oanh, Công ty Luật TNHH Lion, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thìtrong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đơnThẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu”.

Đối với biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì sau khi xem xét đơn yêu cầu, các tài liệu, chứng cứ và nghe trình bày, nếu chấp nhận yêu cầu Thẩm phán buộc người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định thì Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

"Như vậy, trong vụ việc này, việc đương sự có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp nhưng quá 3 ngày làm việc thẩm phán vẫn không yêu cầu đương sự thực hiện biện pháp bảo đảm hay ra văn bản trả lời không chấp nhận yêu cầu là không đúng quy định pháp luật tố tụng. Việc chậm trễ giải quyết theo thời hạn quy định nêu trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, đặc biệt là trong vụ án này khi đương sự đang yêu cầu nhận di sản thừa kế bằng hiện vật", Luật sư cho hay.

Một vụ tranh chấp đã dai dẳng nhiều năm nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa từng giải quyết thỏa đáng, TAND TX Từ Sơn có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thủ tục giải quyết và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tạo điều kiện cho phía bị đơn cơ hội làm biến đổi hoàn toàn tình trạng tài sản tranh chấp của vụ án. Dư luận không khỏi thắc mắc liệu có hay không những thế lực đằng sau can thiệp, hay vì tư lợi cá nhân khiến việc giải quyết yêu cầu khẩn cấp tạm thời liên tục bị trì hoãn?

Quang Thành - Hoàng Chiến