Tung tin giả nhằm trục lợi trong mùa dịch: Cần nâng cao mức an toàn trên môi trường số

Quang Thành 30/07/2021 08:30

Lợi dụng tâm lý người dân hoang mang, lo lắng về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không ít đối tượng đã đăng tải tin giả để lừa đảo nhằm mục đích trục lợi.

Tung tin giả nhằm trục lợi trong mùa dịch

Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin trong bài viết "Cuộc chiến với tin giả giữa mùa dịch: Cần biện pháp cứng rắn", trong khi cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, vẫn có không ít người lợi dụng dịch bệnh, cố tình đưa tin sai sự thật, gây hoang mang, lo sợ cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Việc tin giả được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã và đang làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Không chỉ vậy, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lợi dụng tâm lý của người dân, nhiều đối tượng đã liên tục đăng tải các thông tin giả nhằm thực hiện hành vi lừa đảo để trục lợi qua không gian mạng.

Người dân phản ánh về việc nhận được thư điện tử, đính kèm nhiều tập tin, liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật diễn biến về dịch Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm này, máy tính/điện thoại của người nhận sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Nhiều sản phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng xã hội có khả năng chữa và kháng Covid-19.

Nguy hiểm hơn là việc các đối tượng đăng tải bài viết sai sự thật, quảng bá một số phương thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng “kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19”,…Trong khi thực tế, sản phẩm này chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác.

Những tin giả này khiến người tiêu dùng đổ xô đi các hiệu thuốc tìm mua bằng được sản phẩm, tạo nên tình trạng khan hiếm hàng, đẩy giá bán lên cao đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó.

Một số khác giả là người của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế như: Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organisation hoặc “WHO”), mạo nhận đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.

Cũng có trường hợp, lợi dụng bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu về nhu yếu phẩm thiết yếu, sản phẩm, vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay của người dân tăng cao, các đối tượng lập nên website bán hàng trực tuyến về các mặt hàng nói trên.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người mua hàng không nhận được hàng như đã thỏa thuận và cũng mất liên lạc với "người bán".

Mới đây, ngày 29/7, Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP HCM) phối hợp cùng Công an TP Thủ Đức tạm giữ đối tượng Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức) để làm rõ, xử lý hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đăng tải các thông tin cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, dược phẩm, tổ chức dịch vụ tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Phụng đăng tải trên các ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo… nội dung thông tin: Cung cấp giấy xét nghiệm để làm giấy thông hành, đi lại qua các trạm kiểm soát dịch (600.000 đồng/tờ); đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vaccine các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều); các loại dược phẩm để chữa trị khi nhiễm Covid-19; ...

Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng không gửi hàng mà chặn liên lạc với người mua nhằm chiếm đoạt số tiền được chuyển.

Nâng cao mức an toàn trên môi trường số

Người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh, phân biệt giữa tin xấu độc với tin chính thống, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng khiến dư luận hoang mang. Ảnh minh họa: TTXVN.

Trước việc tin giả ngày càng tinh vi, đa dạng, ngoài nâng cao ý thức cho người dân thì việc nâng cao mức an toàn trên môi trường số cũng là cách để ngăn chặn tin giả "hoành hành" trên các nền tảng điện tử.

Tại báo cáo thảo luận chính sách về An toàn số trong chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam mới đây, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số, ứng phó tin giả.

Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời từ toàn bộ hệ thống công quyền, kéo người dân từ mạng xã hội qua báo chí chính thống, lấy tin thật đẩy lùi tin giả.

Ngoài ra, kỹ năng trên môi trường số của người dân hiện nay cần được nâng cao, như: biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, tránh xa các nguồn độc hại.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trước mắt cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả trong thời điểm nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai nêu trên cần thời gian dài hơn để thực thi.

"Hệ thống tòa án cần được gấp rút tăng cường năng lực thụ lý và xử lý nhanh các vụ kiện như thế. Các vụ việc xử phạt hành chính chỉ nên nhắm vào các cá nhân, tổ chức tung tin giả có tác động xấu đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia", IPS khuyến nghị.

Việc phân biệt tin giả và tin thật không hề đơn giản, nếu người dùng không có kinh nghiệm, hoặc không được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Để người dân không bị các đối tượng xấu sử dụng tin giả nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý, vận hành các nền tảng mạng xã hội.

Sự phối hợp chặt chẽ này sẽ giúp cải thiện đáng kể vấn nạn tin giả.

Các chuyên gia khuyến cáo, trước những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh, phân biệt giữa tin xấu độc với tin chính thống, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng khiến dư luận hoang mang.

Việc các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật vi phạm quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Quang Thành