Bộ GTVT: Tập trung mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân 2021
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong cuộc họp tổng kết nhiệm vụ tháng 7 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ tháng 8/2021 diễn ra vào ngày 29/7.
Giải ngân vốn đầu tư công là "điểm sáng"
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, trong 7 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản đôn đốc các Ban QLDA, các cơ quan đơn vị được giao vốn phải tập trung đẩy nhanh giải quyết mọi thủ tục, tiến độ thi công các Dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công; nhiệm vụ này được quán triệt tại các buổi giao ban XDCB hàng tháng và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KHĐT, tháng 7/2021 dự kiến giải ngân được 2.078 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng đầu năm, dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%).
Cũng theo ông Huy, một kết quả rất đáng quan tâm đó là công tác xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành công tác xây dựng cả 5 Quy hoạch và trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường bộ, mạng lưới cảng biển; Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Riêng đối với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang chờ Hội đồng thẩm định nhà nước bố trí lịch họp để thẩm định. Các Quy hoạch lần này đã được tổ chức thực hiện một cách chủ động, khoa học, bài bản và đồng bộ giữa các quy hoạch chuyên ngành GTVT nên cơ bản đạt được nguyên tắc kết nối, lan tỏa, linh hoạt, hiệu quả, tầm nhìn dài hạn được các chuyên gia Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá cao.
Công tác đầu tư, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh
Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia ((1) Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, (2) Dự án TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, (3) Dự án vành đai 4 thành phố Hà Nội (4) Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; (5) Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề; (6) Dự án Buôn Ma Thuột - Vân Phong); hoàn thành ký kết và đã triển khai thi công trên hiện trường 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm đầu tư theo hình thức PPP, ngày 30/7 sẽ ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Như vậy, hết tháng 7, cả 3 Dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP đều sẽ được ký kết hợp đồng và bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng để triển khai thi công.
Đối với 2 dự án chuyển đổi đầu tư công là Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và đã triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 7/2021.
Về công tác quản lý kết cấu hạ tầng: Các cơ quan thuộc Bộ đang khẩn trương xây dựng dự thảo các đề án phân cấp trong lĩnh vực giao thông vận tải theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục ĐBVN, các Cục tăng cường rà soát, khắc phục kịp thời những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) (Đã xử lý 6 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; sơn kẻ 16 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 194 biển báo, sửa chữa, bổ sung 16 km hộ lan tôn sóng), xử lý các điểm úng ngập trên đường bộ, chuẩn bị phương án vật tư dự phòng để ứng phó với mùa mưa, bão năm 2021.
Vận tải hành khách ảnh hưởng nặng nề, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Vận tải hành khách lũy kế 7 tháng ước đạt 1.917,8 triệu lượt khách, giảm 9,67% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hành khách lũy kế 7 tháng ước đạt 80,6 tỷ HK.km giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, hàng không giảm 32,3%, đường sắt giảm 52,3% so với cùng kỳ 2020.
Vận tải hàng hóa lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 987,4 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hóa lũy kế 7 tháng ước đạt 196,4 tỷ tấn.km tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng hải tăng 8,3%; đường bộ tăng 1,7%, đường thủy nội địa tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020. Theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%.
Về tình hình TNGT tháng 7, toàn quốc xảy ra 792 vụ, làm chết 435 người và làm bị thương 509 người. So với cùng kỳ giảm 414 vụ (giảm 34,33%), giảm 114 người chết (giảm 20,77%), giảm 402 người bị thương (giảm 44,13%). 7 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 7.137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.635 người, bị thương 4.984 người. So với cùng kỳ, số vụ TNGT giảm 589 vụ (-10,74%), số người chết giảm 156 người (-4,12%), số người bị thương giảm 866 người (14,8%).
Tập trung, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trong tháng 8
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công và tiến độ các Dự án, trong đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công. Bộ trưởng yêu cầu các Ban QLDA, Chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc trong việc phòng chống dịch, xây dựng phương án 3 tại chỗ cho cán bộ, công nhân công trường; kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào công trường; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường trang thiết bị, nhân lực, bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các Dự án trọng điểm quốc gia.
Giao Vụ KHĐT phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các Dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các Dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn; mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 63 của Chính phủ.
Bên cạnh tiến độ, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chất lượng vẫn là ưu tiên số một đối với các dự án xây dựng cơ bản của ngành, giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ là chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia; xử lý ngay tồn tại, vướng mắc nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu cho dự án; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình .
Hiện nay, Quốc hội khóa XV đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025; yêu cầu Vụ KHĐT phải khẩn trương lên kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, giao Vụ Đối tác công tư phối hợp với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 6 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải được coi trọng và phải xác định đây là một khâu đột phá quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc, quy định pháp luật còn chồng chéo liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh thưc hiện Nghị quyết 66 của Chính phủ và kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án của ngành đã được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt.
Để đảm bảo công tác vận tải phục vụ phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, XNK và nhu cầu của nhân dân, yêu cầu Vụ Vận tải, TCĐBVN và Các Cục chuyên ngành phải chủ động lên kịch bản, phương án tổ chức giao thông để kịp thời ứng phó những diễn biến của dịch bệnh; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương để rút kinh nghiệm những phát sinh, vướng mắc từ thực tế để thống nhất quan điểm, cách làm, triển khai một cách đồng bộ với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa thông suốt, thuận tiện và phù hợp với nguyên tắc phòng chống dịch của Chính phủ và BCĐ Quốc gia. Tiếp tục cập nhật, kịp thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các đơn vị chuyên ngành tiếp tục rà soát, xử lý ngay bất cập phát sinh liên quan đến kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, xử lý các điểm úng ngập trên đường bộ, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, vật tư để ứng phó với mùa mưa, bão sắp đến.
Cuối cùng, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính năm 2021, giai đoạn 2021- 2025; các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số...và các nhiệm vụ theo các kế hoạch năm 2021 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.