Điểm sáng trong đại dịch

Hà Anh 30/07/2021 06:03

Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, nhiều nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng thì Mỹ, Trung Quốc và Nga đã đang đem đến gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Mỹ đang có nhiều điểm sáng trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Ảnh: AP.

Những tín hiệu khả quan

Ngày 29/7, Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, cho biết, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm mới Covid-19.

Tuy nhiên, ông Powell cũng cho rằng sự lây lan của biến thể Delta sẽ khiến sự phục hồi gặp khó khăn hoặc khiến FED đi chệch hướng khi thoát khỏi các chính sách hỗ trợ thời kỳ khủng hoảng.

Ông Powell nói: “Có vẻ như chúng tôi đã học được cách xử lý điều này”, với việc kinh tế ngày càng ít gián đoạn hơn, ngay cả khi một đợt bùng phát mới ở một mức độ nào đó có thể làm chậm quá trình quay trở lại thị trường lao động của người lao động hoặc phá vỡ kế hoạch mở cửa trở lại trường học vào mùa thu.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức 7% trong năm nay, và 4,9% trong năm tới, nhờ gói chi tiêu lớn của chính phủ và chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi.

Chỉ dấu mới nhất cho thấy phục hồi kinh tế Mỹ diễn ra mạnh mẽ là lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng nhanh kéo theo kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Việc các bang mở cửa trở lại và người dân bắt đầu cuộc sống bình thường sau đại dịch đã tác động nhiều đến các hoạt động mua sắm hàng hóa.

Một điểm sáng quan trọng nữa trên bức tranh kinh tế Mỹ là hệ thống tài chính vững mạnh, bất chấp sóng gió dữ dội từ cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua. FED vừa tuyên bố, kết quả đợt “kiểm định sức khỏe” của các ngân hàng cho thấy, các tổ chức tài chính lớn nhất của Mỹ có đủ nguồn lực để tiếp tục cho vay.

Một đại diện của châu Á là Trung Quốc, nền kinh tế tiếp tục phục hồi với sự ổn định trong tháng 7/2021, mặc dù có một số dấu hiệu suy yếu như doanh số bán bất động sản, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ và thị trường chứng khoán đi xuống.

Trung Quốc kỳ vọng đà phục hồi ổn định này sẽ được duy trì trong nững tháng còn lại của năm 2021, song cũng đưa ra cảnh báo về việc tăng trưởng có thể giảm, trong đó hoạt động thương mại có khả năng chững lại.

Hiện nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh. Xuất khẩu của Trung Quốc, một thước đo thương mại thế giới, đã tăng hơn 30% trong 3 tuần đầu tháng 7/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 chưa phải là trở ngại lớn đối với nhu cầu.

Cũng có những dấu hiệu tích cực đối với chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc, khi công cụ theo dõi giá của Bloomberg phản ánh sự sụt giảm trong tháng 7/2021 từ mức cao nhất được ghi nhận trong tháng 6/2021. Điều này cho thấy các biện pháp của chính phủ nhằm thúc đẩy nguồn cung một số mặt hàng và việc bình ổn giá bắt đầu có hiệu quả.

Trong khi đó, đối với Nga, tại cuộc họp đặc biệt công bố báo cáo cập nhật của IMF về triển vọng phát triển của nền kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết, nền kinh tế Nga đang phục hồi nhanh hơn dự kiến sau những ảnh hưởng của đại dịch.

“Liên quan nước Nga, chúng tôi quan sát thấy sự phục hồi nhanh hơn. Tăng trưởng GDP trong quý đầu lạc quan hơn dự kiến. Điều này dẫn đến những cải thiện dự báo trong báo cáo”, theo bà Gita Gopinath.

Theo báo cáo cập nhật của IMF, tổ chức này đã tăng dự báo tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay thêm 0,6 điểm % so ước tính hồi tháng 4, lên mức 4,4%. Đồng thời, IMF đã điều chỉnh dự báo cho năm 2022: từ 3,8% xuống 3,1%. Các chuyên gia của quỹ cũng thay đổi ước tính về suy thoái kinh tế ở Nga vào năm 2020 từ 3,1% xuống 3%.

Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF Petya Koeva Brooks cho biết, sự phục hồi đang diễn ra nhanh hơn dự kiến. Những dấu hiệu tăng cường không chỉ diễn ra ở khu vực sản xuất, mà còn trong sự phục hồi của hoạt động kinh tế và củng cố lĩnh vực dịch vụ.

Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm 2021. Cụ thể, theo báo cáo của WB, GDP của Nga sẽ tăng 3,2% (thay vì dự báo 2,9% trước đó) vào năm 2021 và duy trì tốc độ tăng trưởng này sang năm 2022.

Vẫn bấp bênh

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới cập nhật ngày 29/7, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nước đang gia tăng, khi các nền kinh tế phát triển tăng tốc, còn các nền kinh tế đang phát triển tụt lại sau.

Mức dự báo mới về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo hồi tháng Tư, khi dự báo tăng trưởng năm 2021 của Canada và Anh được nâng lên các mức tương ứng là 6,3% và 7%, và của Khu vực sử dụng đồng euro được tăng nhẹ lên 4,6%, nhưng mức tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được dự báo bị hạ xuống 9,5%, do nước này đối mặt với số ca nhiễm gia tăng.

Mặc dù một số quốc gia thị trường mới nổi như Brazil và Mexico có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay, các nước đang phát triển là nhóm nước đang tụt lại sau và gặp khó khăn trong việc phục hồi về các mức trước đại dịch.

Theo IMF, tiếp cận vaccine đã trở thành vấn đề chính đưa đến hai tốc độ phục hồi trong nền kinh tế toàn cầu. IMF cảnh báo mối nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu nếu các biến thể mới của virus SAR-CoV-2 xuất hiện.

Sự phục hồi sẽ không được đảm bảo ngay cả ở những nước mà tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức rất thấp nếu dịch vẫn lây lan ở các nước khác.

Chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Gita Gopinath, cho rằng sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến GDP của toàn cầu thiệt hại 4.500 tỷ USD vào năm 2025. Và trong khi lạm phát tăng gần đây là do sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động của đại dịch và sẽ là tạm thời, IMF nêu lên khả năng giá cả có thể tăng kéo dài.

Hà Anh