Bảo vệ sức khỏe tâm thần trong dịch bệnh Covid-19 - Bài 2: Điều chỉnh cảm xúc để chiến thắng lo âu
Theo GS.BS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, đại dịch Covid-19 chính là một cú sang chấn. Sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn, mọi đối tượng đều cần được bảo vệ.
Áp lực đè nặng lên nhân viên y tế
Một số liệu đáng chú ý được Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện (BV) Bạch Mai chia sẻ: Kết quả khảo sát tâm lý của nhân viên y tế Khoa truyền nhiễm (BV Bạch Mai) trong thời kỳ cơ sở y tế này cách ly, phong toả vào năm 2020 để phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, 45% y bác sĩ có tâm lý lo âu, 35% gặp trầm cảm và 32% nhân viên y tế bị stress.
BS Bùi Văn San - Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) kể lại trường hợp của chị H. (32 tuổi) là điều dưỡng tại BV Bạch Mai được điều động hỗ trợ BV dã chiến Hoà Vang, Đà Nẵng.
“Khi mới tiếp xúc với chị H., không ai nghĩ chị có nhiều vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Chị là người có chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm công việc, luôn sẵn sàng chấp nhận với khó khăn trong công việc, hoàn cảnh gia đình ổn định. Chị đã có kinh nghiệm chuyên môn và hiểu biết nhất định về dịch SARS 2003, được phân công phụ trách đơn vị Hồi sức tích cực của BV. Chị vào trước chúng tôi 1 tuần.
Khi gặp chị chúng tôi rất ngưỡng mộ vì chị là phụ nữ, tham gia chống dịch tuyến đầu, làm công việc hồi sức. Quả thật là khó tìm được người như chị. Khi biết chúng tôi vào hỗ trợ tâm lý thì chị muốn gặp để chia sẻ, và chúng tôi có lẽ làm nhiệm vụ lắng nghe cũng đã giúp phần nào cho chị đỡ căng thẳng”, BS Bùi Văn San nhớ lại.
“Ban đầu khi nhận nhiệm vụ, chị H. cũng không nghĩ là tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như vậy: số người nhiễm tăng cao, các ca bệnh nặng, có bệnh nền nhiều… thêm vào đó làm việc tại BV dã chiến khác hẳn tại BV Bạch Mai chị đang làm.
Những thứ đó làm chị luôn lo lắng liệu mình có đảm nhận được không, thêm vào đó chứng kiến những thiếu thốn tại bệnh viện dã chiến làm những tính toán chuyên môn của chị thay đổi phù hợp. Giờ ăn, giờ ngủ của chị không có nhiều, chưa nói đến nghỉ ngơi do phải lo cho đơn vị Hồi sức tích cực mới với những bệnh nhân nặng.
“Nhiều lúc chị căng đầu, ngủ không đủ, hay giật mình vì nghĩ mình còn thiếu sót gì, cảm giác từ lúc vào đến lúc gặp chúng tôi chị luôn mệt mỏi”, BS San nói và cho biết thêm: “Chúng tôi lắng nghe được câu chuyện của chị trong bữa ăn trưa và phải hẹn chị buổi chiều tối để tiếp tục... Nhưng bản thân chúng tôi khi đó cũng cảm nhận rõ những căng thẳng, áp lực của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Thời gian làm việc của các nhân viên Hồi sức tích cực là 24/24 giờ, nhân viên chia 3 ca/ngày, mỗi ca 8 tiếng để chăm sóc liên tục các bệnh nhân nặng, kèm theo các máy móc thiết bị mà các nhân viên phải thao tác.
Riêng chị H. là người có chuyên môn, được phân công phụ trách nên cũng không được chia ca mà sẽ hỗ trợ bất cứ lúc nào. Sau hơn 1 tuần tình hình dịch tại Đà Nẵng tạm lắng lại, trong các buổi gặp sẻ chia, tư vấn tâm lý, chị H. vui vẻ hơn nhiều, chị chia sẻ công việc với các nhân viên khác tại BV dã chiến nên cũng có thời gian nghỉ ngơi. Chị kể khi gọi điện cho gia đình biết được sinh nhật con ở nhà đã hoãn tổ chức, vì các cháu và gia đình muốn lúc nào chị về rồi cả gia đình mới quây quần. Khi ấy, tâm lý của chị đã được giải toả, nhẹ nhàng hơn từng ngày theo những tin vui về công tác phòng chống dịch”.
Môi trường sống thay đổi và khả năng gia tăng stress
Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện Tâm lý Việt Pháp, tình trạng stress ở mỗi người có thể phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên cuộc sống của họ. Mức độ stress ở mỗi cá nhân là khác nhau, nhưng nhìn chung khi đối mặt với đại dịch Covid-19, môi trường sống chúng ta đều bị thay đổi và có khả năng gia tăng stress.
“Ngoài mức độ stress tăng lên, thì người dân có thể lo về việc dịch bệnh đang ngày càng gần mình hơn, gần những người thân yêu của mình. Họ có thể bắt đầu bằng một suy nghĩ đơn giản như: “Liệu mình có tiếp xúc với ai có bệnh không?”.
Những lo lắng ấy có thể trở thành vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực thái quá và không có hồi kết. Lâu dần có thể trở thành triệu chứng của rối loạn lo âu”, GS Mỹ Lộc cho hay và cho rằng với những người đang thực hiện giãn cách/cách ly xã hội, việc các hoạt động giao tiếp, tương tác thông thường bị hạn chế, thậm chí bị tách biệt đột ngột có thể gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần như cảm giác như bị cô lập xã hội, cảm giác bí bách…
Kết hợp với những vấn đề như thất nghiệp, khủng hoảng tài chính, họ sẽ cảm thấy rất căng thẳng và có cảm giác bất lực khi không làm được gì. “Tất cả những yếu tố này có thể làm gia tăng rối loạn tâm lý ở những người đang thực hiện giãn cách/ cách ly xã hội”, GS Mỹ Lộc nói.
Chú ý tự chăm sóc bản thân
“Với trẻ em và trẻ vị thành niên, các em bị nghỉ học kéo dài và hoạt động hè bị gián đoạn do thực hiện giãn cách xã hội thì phụ huynh của các em thường để con chơi với ipad, điện thoại, máy tính. Nếu sử dụng các thiết bị này mà không có sự kiểm soát, các em có thể sa đà vào các hoạt động online, nề nếp sinh hoạt bị đảo lộn và có nguy cơ gặp các vấn đề như nghiện game, nghiện Internet”, theo GS Mỹ Lộc. Vì thế, cần tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi, nhiều đồ chơi để trẻ vui chơi, tránh việc sử dụng thiết bị điện tử quá lâu.
GS Mỹ Lộc cũng cho rằng, có thể tìm đọc cuốn “Cẩm nang chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch”, đồng thời phải chú ý tự chăm sóc bản thân: Hãy tập trung giải quyết các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ và nghỉ ngơi.
Việc duy trì nhịp sinh học đều đặn sẽ giúp cho trạng thái tâm thần tốt hơn. Ngoài ra, hãy dành thời gian làm những thứ mình thích, đó có thể là nghe nhạc, đọc sách, tưới cây, tập thể dục… bất cứ hoạt động nào để tiếp thêm sinh lực thì cần được tận dụng.
Đáng chú ý là tránh việc thường xuyên đọc các tin tức tiêu cực, thay vào đó hãy đọc các bài báo, thông tin đáng tin cậy về sức khỏe tâm thần để vừa có thêm kiến thức, vừa chuyển sự tập trung vào những khía cạnh mà mình có thể kiểm soát.
Chống dịch như chống giặc, sẽ có những tổn thất về mặt tinh thần, sức khỏe nhưng các chuyên gia cũng khuyên không nên quá lo lắng. Việc lúc này chúng ta cần làm là tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch để tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng. Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật.