Xét đặc cách tốt nghiệp THPT 2021: Cần thiết và phù hợp
Bộ GDĐT vừa có văn bản chính thức về việc bổ sung đối tượng được xét đặc cách tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2. Theo đó, những thí sinh vùng giãn cách, có nguyện vọng sẽ được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp. Trước đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng công bố việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT 2021 cho thí sinh dự thi lần 2. Cơ hội xét tuyển đại học (ĐH) cho các thí sinh này ra sao? Các trường nghề đón luồng tuyển này như thế nào?
Trường “chờ” thí sinh
Theo lịch dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 diễn ra từ ngày 5 đến 8/8/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nên một số tỉnh, thành đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh thi đợt 2.
Cụ thể, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ GDĐT đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 cho 3.234 thí sinh đủ điều kiện thi đợt 2. Với việc TP đang thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 và nhiều biện pháp siết chặt hơn đến hết ngày 1/8 trong khi dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp tới thời điểm thi nên việc tổ chức thi đợt 2 là khó có thể thực hiện...
Tương tự, Hà Nội cũng ra thông báo về việc không tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, do toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo số liệu tổng hợp thống kê của Sở GDĐT, Hà Nội đã có 237 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, năm 2021 tại Hội đồng thi Hà Nội. Trong đó, TP. Hà Nội có 195 thí sinh, còn lại là thí sinh của các địa phương khác gửi về hội đồng thi của Hà Nội để cùng dự thi.
An Giang là địa phương có số thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 lớn nhất cả nước với 4.913 thí sinh. UBND tỉnh này đã có văn bản gửi Bộ GDĐT kiến nghị xem xét đặc cách tốt nghiệp năm 2021 cho tất cả tất cả thí sinh có đủ điều kiện, đồng thời vẫn tổ chức thi đợt 2 nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Như vậy, với tình hình nơi xin đặc cách, nơi vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2, băn khoăn về các thí sinh sẽ xét đặc cách thì cơ hội vào ĐH ra sao? Ngay cả với các thí sinh dự thi đợt 2, nhiều ý kiến băn khoăn về quyền lợi của thí sinh cũng được đặt ra. Liệu các trường có “chờ” thí sinh thi đợt 2? Tiến độ xét tuyển của các trường có bị ảnh hưởng không? Thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cùng xét tuyển chung 1 đợt?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GDĐT cho biết Bộ đã có hướng dẫn để các trường chỉ tổ chức xét tuyển, tuyển sinh ĐH sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT cả 2 đợt đã hoàn thành (áp dụng đối với cơ sở đào tạo và thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển).
Như vậy, các em thi đợt 1 và 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đợt 1 kết thúc sẽ đợi đợt 2 thi xong, sau đó mới cùng xét tuyển, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh. Như vậy, các cơ sở đào tạo cũng không cần tính toán các phương án để dành lại chỉ tiêu xét tuyển đợt 2, cũng giống như đã thực hiện năm 2020.
Đảm bảo quyền lợi thí sinh đặc cách
Theo số liệu từ Bộ GDĐT, chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55%, chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác chiếm khoảng 45%.
Với những thí sinh thuộc diện xét đặc cách, điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 không có thì đương nhiên cơ hội vào ĐH, CĐ theo phương án dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT đã bị loại bỏ. Việc cần làm hiện nay trước hết là hoàn thành các thủ tục cần thiết để được xét đặc cách.
Sau đó, theo dõi sát thông tin, liên hệ số điện thoại hotline của nhà trường hoặc phòng tuyển sinh, website, fanpage, mạng xã hội... của các trường ĐH về việc bổ sung các phương án xét tuyển dành cho thí sinh đặc cách, đặc biệt là các trường có ngành thí sinh có nguyện vọng theo học.
PGS.TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết nhà trường sẽ sử dụng kết quả học tập THPT của thí sinh được đặc cách tốt nghiệp khi có hướng dẫn cụ thể của ĐH Quốc gia TP HCM và Bộ GDĐT.
Tương tự, đại diện trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM cho biết mặc dù nhà trường không sử dụng phương thức xét học bạ nhưng đối với các thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp THPT 2021, nếu có hướng dẫn cụ thể của Bộ và ĐH Quốc gia TP HCM, trường sẽ dành chỉ tiêu cho phương thức này để tuyển những thí sinh có năng lực học tập tốt.
- TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng với xu hướng tự chủ ĐH, các trường đều có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Trong đó, muốn được công nhận trúng tuyển bất kỳ phương thức nào, thí sinh đều phải tốt nghiệp THPT.
Với số ít thí sinh xét đặc cách lần này, các trường hoàn toàn có thể chủ động bổ sung trong đề án tuyển sinh để dành chỉ tiêu cho các đối tượng này với phương thức xét tuyển, đặc biệt là học bạ so với các thí sinh có điểm thi tốt nghiệp. Điều này nằm trong “tầm tay” của các nhà trường, miễn là đảm bảo tuyển được người học có năng lực đúng với yêu cầu chuyên ngành đặt ra.
Trước đó, Bộ GDĐT cũng đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho các thí sinh xét đặc cách để đảm bảo quyền lợi vào ĐH, CĐ cho các thí sinh. Đồng thời Bộ GDĐT cũng thông báo tới các trường để khuyến khích các trường điều chỉnh đề án, bổ sung phương án tuyển sinh, nhằm mở cơ hội xét tuyển ĐH cho thí sinh không thể dự được cả 2 đợt thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn có những trường sẽ không thay đổi phương án tuyển sinh như 18 trường khối công an, quân đội hoặc một số trường y, dược. Các thí sinh cần chấp nhận điều này bởi trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, sẽ không có phương án hoàn hảo nhất cho tất cả mọi thí sinh.
Thí sinh điểm cao không nên chủ quan
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), khuyên thí sinh đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không đậu nguyện vọng nào nếu không tỉnh táo chọn ngành, trường. Thí sinh không nên chủ quan với điểm mình đạt được để tập trung vào một số ít những ngành cạnh tranh cao của một số ít trường. Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xem xét, không vì thấy điểm chuẩn của mình bằng với năm trước mà không có lựa chọn an toàn khác. Vì năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT cao, cao ở đây là mặt bằng chung cùng cao, chứ không phải tập trung ở một vài thí sinh cá biệt.