Động lực cho tăng trưởng kinh tế

T.Hằng 30/07/2021 08:23

Ngày 29/7, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Verp) công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề: Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công.

PGS. TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, so với 1 năm trước đây, tương lai nền kinh tế thế giới đã bớt bất định hơn nhờ kinh nghiệm ứng phó với bệnh dịch và việc triển khai tiêm phòng vaccine ở nhiều nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh dịch trên quy mô toàn cầu mà điều này khó có thể xảy trong vòng một năm tới.

Về phía Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.

PGS TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh: “Các đợt tái bùng phát của bệnh dịch có thể khiến nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng bị ngưng trệ. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, chúng tôi cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước”.

Đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng cho chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, nhóm nghiên cứu đến từ Verp nói do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Việt Nam trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm và đúng địa chỉ.

Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.

Bên cạnh đó, đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số.

PGS. TS Nguyễn Anh Thu khẳng định: “Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu”.

Trong trung và dài hạn, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ...khẳng định vị thế của mình trên sân chơi thế giới.

T.Hằng