Học giả Trung Quốc ca ngợi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

30/07/2021 15:11

Theo học giả Trung Quốc Hàn Phương Minh, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tính đúng đắn của con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng xoay quanh lý tưởng ban đầu và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới góc nhìn thực tiễn của Việt Nam.

Bài viết đã phân tích một cách có hệ thống về ý nghĩa, vấn đề, phương pháp và cách thức của Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong những năm qua.

Bài viết đã chỉ ra nguồn gốc, mục tiêu, sự kiên trì và kiên định một số quan điểm lý luận của Việt Nam về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và lấy con người làm vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển mới.

Đó là những đánh giá của ông Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Học hội nghiên cứu Chahar, khi phân tích về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, bài phân tích của ông Hàn Phương Minh với nhan đề “Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển văn minh nhân loại” đã đề cao việc Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Hàn Phương Minh nhận định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Việt Nam khởi xướng là một kế hoạch mới của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đương đại, là sự phát triển mới trong việc "Việt Nam hóa" chủ nghĩa Marx-Lenin và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ông Hàn Phương Minh nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phát biểu rất cô đọng về mục tiêu của cách mạng: “Làm cho người nghèo được ăn no, người có ăn được khá giả, người khá giả được thịnh vượng".

Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những mục tiêu cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vừa phát triển kinh tế thị trường, vừa thực hiện công bằng xã hội.

Theo ông Hàn Phương Minh, nhìn từ phạm trù lý luận xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự đột phá lý luận mang tính sáng tạo, là một tổ chức kinh tế không chỉ tuân theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, mà còn vận hành dưới sự dẫn dắt và chi phối của các nguyên tắc và tính chất của chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thúc đẩy Việt Nam phát triển hài hòa về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái…, thể hiện được tiềm năng to lớn của sự nghiệp đổi mới chủ nghĩa xã hội.

Ông Hàn Phương Minh nhận định bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết kinh nghiệm phát triển xã hội chủ nghĩa của Việt Nam về quản trị, điều hành đất nước, rất hữu ích cho việc trao đổi lý luận và chia sẻ nhận thức giữa các chính đảng trên thế giới, cung cấp cho cộng đồng quốc tế tham khảo nhiều giải pháp quản trị hơn.

Ông Hàn Phương Minh nhấn mạnh cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đứng trước những thay đổi to lớn ở Liên Xô và Đông Âu, đã cùng bình tĩnh phân tích sâu sắc những nguyên nhân nội tại của chủ nghĩa xã hội truyền thống, kiên định kết hợp điều kiện riêng của từng nước, tích cực tìm kiếm con đường xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa của hai nước và đã đạt được những đột phá và phát triển quan trọng.

Ông Hàn Phương Minh cho rằng sau những thay đổi chính trị lớn ở Liên Xô và Đông Âu, công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam thông qua sự thay đổi mô hình đã mang lại sức sống mới cho chủ nghĩa xã hội và đạt được những thành tựu lớn. Làn sóng đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam đã làm bán đảo Đông Dương thay đổi diện mạo và có bước phát triển vượt bậc.

Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, thế giới ngày càng khám phá ra một Việt Nam mới. Điều này cho thấy con đường chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang đi là đúng hướng, con đường tương lai của Việt Nam sẽ càng thênh thang và có giá trị văn minh hơn.

Học giả Hàn Phương Minh. (Nguồn: NVCC).

Học giả Hàn Phương Minh đã điểm lại quá trình Việt Nam tìm tòi và bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới từ năm 1986.

Tác giả nêu rõ trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam luôn kiên trì đi theo con đường phát triển chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng riêng của Việt Nam, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển khá cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 7%, đến năm 2020 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việt Nam đã viết nên một “câu chuyện mùa Xuân” của mình: từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người chưa đến 100 USD trong giai đoạn mới thực hiện cải cách, hiện nay đã tăng lên tới khoảng 3.500 USD/người, mức sống của người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt, sự nghiệp công bằng xã hội được mọi người dân ghi nhận.

Với việc tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV trong năm nay, công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã bước sang một chặng đường mới.

Đề cập tới quan hệ giữa hai nước, tác giả Hàn Phương Minh nêu rõ lãnh đạo hai Đảng đã nhiều lần hội kiến, thể hiện nhận thức chung của hai Đảng, hai nước về phương diện thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa phát triển và cùng nhau thúc đẩy, làm phong phú kho tàng quý giá văn minh nhân loại.

Đối mặt với tác động của đại dịch COVID-19, hợp tác thực chất giữa hai nước trên các lĩnh vực đã vượt qua thách thức khó khăn, cho thấy dư địa và tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn.