Cần sớm hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020
Ngày 30/7, Khoa Luật Thương mại thuộc trường Đại học Luật TP HCM tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020”, thu hút sự tham dự của các luật gia, giảng viên và sinh viên.
Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 (riêng khoản 3 Điều 29 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021).
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhận xét về những nội dung mới trong luật này liên quan đến việc sửa đổi những quy định còn bất cập, hạn chế trước đó và nhiều quy định mới mang tính đột phá nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động bảo vệ các thành phần môi trường.
TS Võ Trung Tín, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường (Đại học Luật TP HCM) cho biết, việc quy định về giấy phép môi trường đã khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thủ tục của nhiều công cụ quản lý. TS Tín cũng đề xuất kiến nghị ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 dưới dạng Nghị định và có nội dung về giấy phép môi trường.
Về vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại về môi trường và quản lý chất thải nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các chuyên gia tham gia hội thảo.
Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Lan, khoa Luật Thương mại, ĐH Luật TP HCM, việc giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường là một điểm mới nổi bật. Trên thực tế hầu hết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại về môi trường người dân đều cần đến sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại thực tế; người bị thiệt hại thực tế chủ yếu là nông dân, ngư dân… yếu thế hơn so với chủ thể gây thiệt hại phần lớn là các doanh nghiệp có điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cho rằng đây là một sự thay đổi tiến bộ và phù hợp. Tuy nhiên, bà Bình cũng đặt ra vấn đề cần làm rõ nghĩa vụ chứng minh của bên gây thiệt hại, cụ thể bên gây thiệt hại cần chứng minh không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra.
Nhiều tham luận tại hội thảo cũng bàn đến tín dụng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và thị trường carbon. Đây đều là những vấn đề hiện đang rất được quan tâm trong bối cảnh biến đối khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt.