Vì sao các trường hợp F0 lại được cách ly tại nhà?
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một số trường hợp F0 được cách ly tại nhà để thay đổi cách quản lý, chăm sóc và không lây nhiễm ra cộng đồng. Việc làm này nhằm tránh tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cũng như tạo tâm lý thoải mái cho F0 nhanh hồi phục sức khỏe.
Theo Sở Y tế, có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Thứ nhất là những F0 không có triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày sau đó.
Thứ hai là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Từ mức độ nguy cơ dịch bệnh tại các phường trên địa bàn thành phố, mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 cho các trường hợp F1, F0 được cách ly tại nhà.
Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng sẽ giúp cho các trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà vượt qua bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng đối với F0 khi cách ly tại nhà
Theo HCDC, các F0 cần có chế độ dinh dưỡng đảm bảo nguyên tắc cân đối và đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch theo nhu cầu từng nhóm tuổi. Khi chế biến món ăn cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm.
Đối với trường hợp F0 là trẻ em, người trưởng thành có bệnh lý nền: đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn... cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, khi thực hiện cách ly tại nhà, các F0 nên bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất. Các loại vitamin cần thiết cho cơ thể như: Vitamin A, C, D, E, B9, B6, B12. Đối với nhóm khoáng chất, cần bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, kẽn, đồng, selen.
Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, nước đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng, uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ. Tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt, đồ uống có chứa cồn…
Đồng thời, HCDC cũng khuyến cáo, các F0 nên duy trì nếp sinh hoạt, chế độ luyện tập lành mạnh. Luôn giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ về những điều tích cực, tránh lo lắng thái quá. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm.
Lưu ý đối với người chăm sóc F0 tại nhà
Người chăm sóc F0 cách ly tại nhà cần gọi ngay cho nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu sau: Sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở > 20 lần/phút để được hướng dẫn xử trí phù hợp.
Trong trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 - nồng độ ô xy trong máu tại nhà) thì gọi ngay tống đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời.