Phúc thẩm vụ 'đột nhiên thi trượt' ở Học viện KHCN & Đổi mới sáng tạo

Nhóm PV 02/08/2021 16:34

Toà án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội vừa quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án lao động về việc “Tranh chấp Huỷ quyết định huỷ hợp đồng làm việc xác định thời hạn” giữa bà Đào Thị H.T. (29 tuổi, nguyên đơn) và Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).

Vì sao quyết định hủy kết quả tuyển dụng?

Ngày 17/5/2021, bà H.T. cũng đã làm đơn kháng cáo gửi đến TAND TP Hà Nội, kháng cáo toàn bộ bản án lao động sơ thẩm số 02/2021/LĐST ngày 4/5/2021 của TAND quận Hoàn Kiếm về vụ án lao động “Hủy quyết định số 174/QĐ-HVKHCN ngày 15/5/2020 của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về việc hủy hợp đồng lao động làm việc xác định thời hạn đối với bà Đào Thị H.T. và các văn bản có liên quan”.

Đồng thời, đề nghị TAND TP Hà Nội hủy Bản án lao động sơ thẩm số 02/2021/LĐST ngày 4/5/2021 của TAND quận Hoàn Kiếm để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà H.T.

Theo nội dung đơn kêu cứu của gửi đến báo Đại Đoàn Kết, bà Đào Thị H.T. cho biết, bà tham gia kỳ xét tuyển viên chức vị trí nghiên cứu viên, giảng viên của Học viện KHCN & Đổi mới sáng tạo; và được công nhận điểm kiểm tra sát hạch và phê duyệt kết quả tuyển dụng bằng Quyết định (QĐ) số 685/QĐ-HVKHCN ngày 9/12/2019.

Nhưng đến ngày 15/5/2020, bà T. bất ngờ nhận được QĐ số 173/QĐ-HVKHCN hủy QĐ công nhận kết quả tuyển dụng trước đó với bà.

Đáng nói, dù QĐ 173 do ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện ký ban hành có ghi là căn cứ vào Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ để ra quyết định hủy, nhưng tại phần nội dung QĐ lại không thấy ghi hay chỉ ra cụ thể là kết quả sát hạch, hay bằng cấp của bà T. vi phạm cụ thể điều nào, khoản nào?

Việc hủy kết quả tuyển dụng sau 5 tháng của lãnh đạo Học viện bị cho là bất thường.

Lý do hủy kết quả tuyển dụng của bà T. chỉ ghi rất chung chung: Hồ sơ tuyển dụng bổ sung của thí sinh, sau khi rà soát theo quy định tại Nghị định số 161, không đáp ứng yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Trong khi theo hồ sơ làm việc của bà T. tại Học viện, từ năm 2016, bà đã được Trường Quản lý KH&CN (1 trong 2 đơn vị được sắp xếp lại thành Học viện) tuyển dụng với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình công tác, bà T. đã theo học Thạc sĩ chuyên ngành “Quản lý KH&CN” và chọn đề tài luận văn thạc sĩ rất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

“Trước thời điểm tuyển dụng tôi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, đã khai báo đầy đủ các thông tin, đi xác nhận tới 4 lần theo yêu cầu Học viện. Ngày 11/11/2019, tôi nhận được bằng Thạc sĩ (trước ngày phỏng vấn vòng 2 và trước ngày 9/12/2019 có thông báo trúng tuyển) và nhiều lần đem tới nộp nhưng Học viện không chịu nhận. Do đó, 5 tháng sau khi sát hạch và công nhận điểm kiểm tra, phê duyệt kết quả tuyển dụng, Giám đốc Học viện lấy lý do Hồ sơ tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu của vị trí tuyển dụng là phi lý”, bà T. bức xúc.

Theo tìm hiểu, Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 đã sửa đổi, bổ sung một số qui định về tuyển dụng công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012.

Theo một số luật sư, so với quy định trước đó tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP, quy định mới của Nghị định 161 theo hướng “cởi trói” cho những người dự tuyển thông qua hai chữ “hoàn thiện” để tạo điều kiện cho người dự tuyển sau khi trúng tuyển vẫn có cơ hội bổ sung các bằng cấp, chứng chỉ mà trước khi dự tuyển chưa phải nộp.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 15, Nghị định 161 chỉ yêu cầu người đăng ký dự tuyển viên chức nộp trực tiếp Phiếu đăng ký dự tuyển đến điểm tiếp nhận phiếu.

Và tại khoản 3, Điều 17 quy định: Trong thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản gửi tới người dự tuyển phải ghi rõ thời hạn người trúng tuyển phải đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức để xuất trình bản chính các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập, đối tượng ưu tiên theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng để “hoàn thiện” hồ sơ dự tuyển theo quy định và ký hợp đồng làm việc.

Nghị định 161 cũng quy định cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức chỉ hủy kết quả tuyển dụng khi: Người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ dự tuyển theo quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc cơ quan, hoặc đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phát hiện người trúng tuyển sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định.

Đơn khiếu nại bà T. cho rằng, theo quy định hiện hành, trước khi dự tuyển, thí sinh chỉ cần nộp phiếu đăng ký dự thi với các nội dung được khai báo trung thực, còn việc hoàn thiện hồ sơ người trúng tuyển có thể hoàn thiện đúng thời hạn theo quy định.

“Chiếu theo quy định, tôi đã có đủ văn bằng, chứng chỉ trước và ngay sau khi trúng tuyển và các văn bằng chứng chỉ đều hợp pháp và đúng qui định. Vì vậy, quyết định của Giám đốc Hoàng Minh về việc hủy kết quả trúng tuyển của tôi rõ ràng là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu trù dập người lao động”, bà T. nói.

Nhiều nghi vấn chưa được làm rõ

Trước đó, ngày 4/5/2021, TAND quận Hoàn Kiếm mở phiên tòa xét xử vụ án “Tranh chấp hủy Quyết định làm việc xác định thời hạn” giữa nguyên đơn là bà Đào Thị H.T. và bị đơn là Giám đốc Học viện HVKHCN & ĐMST, đồng thời tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về “hủy Quyết định số 174 ngày 15/5/2020 về việc hủy hợp đồng làm việc xác định thời hạn và Quyết định số 173 ngày 15/5/2020 của Giám đốc HVKHCN & ĐMST về hủy kết quả trúng tuyển viên chức đối với bà H.T...

Theo bà T., phán quyết của TAND quận Hoàn Kiếm đã không khách quan, không đúng pháp luật, không bảo về quyền lợi chính đáng của bà.

Luật sư Hoàng Văn Bẩy, Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành, Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng cho rằng, TAND quận Hoàn Kiếm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm các qui định hiện hành về tuyển dụng viên chức nhà nước như: buộc đương sự sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện và xác định mối quan hệ pháp luật tranh chấp không đúng pháp luật.

Theo yêu cầu khởi kiện lần 1 ngày 10/9/2020 của nguyên đơn là khởi kiện về Quyết định số 173 về việc hủy kết quả tuyển dụng viên chức đối với nguyên đơn. Đây là quyết định cá biệt được ban hành bởi Học viện KHCN&ĐMST vì Quyết định này thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện chỉ là đơn vị được Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về viên chức ủy quyền thực hiện việc tuyển dụng viên chức. Ngoài ra nguyên đơn khởi kiện Quyết định số 174 của giám đốc Học viện KHCN&ĐMST về hủy Hợp đồng làm việc đối với nguyên đơn.

Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ..., có sự tham gia của Ths Đ.T.H.T.

Nguyên đơn cho rằng, Tòa án sơ thẩm đã xác định sai quan hệ pháp luật trong vụ án. Đây không phải tranh chấp lao động mà là tranh chấp liên quan đến việc yêu cầu tòa án hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức theo Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và tranh chấp Hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức liên quan đến yêu cầu hủy quyết định số 174, riêng đối với trình tự thủ tục xem xét việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng làm việc mà Luật Viên chức không có quy định mới mà qui định căn cứ bộ luật tố tụng lao động để giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã thụ lý đơn khởi kiện với đối tượng kiện chính là kiện quyết định số 174 và các văn bản liên quan, như vậy quyết định số 173 chỉ là phát sinh.

Tuy nhiên khi đưa ra nhận định và xét xử, HĐXX đã tập trung xem xét, nhận định trọng tâm vào quyết định số 173 là quyết định hành chính cá biệt. Toà dựa trên các quy định trái pháp luật và dựa vào các thủ tục tự đặt ra của giám đốc Học viện trong tuyển dụng (ví dụ như bản cam kết, hồ sơ phải có trước ngày thi tuyển,…) để bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cả 2 quyết định số 173 và 174 của Học viện, việc này đã vi phạm quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự…

“TAND quận Hoàn Kiếm lấy Quyết định số 2742 ngày 08/9/2020 của Học viện Khoa học Xã hội “về việc thu hồi và hủy bỏ giấy xác nhận cấp ngày 16/10/2019 đã cấp cho bà T.” để cho rằng bà T. không đủ điều kiện tham gia thi tuyển viên chức theo quy định.

Tuy nhiên, về nguyên tắc pháp lý, các giấy xác nhận “đang chờ cấp bằng tốt nghiệp” chỉ có giá trị khi chưa được cấp bằng mà thôi. Bà T. đã nhận bằng Thạc sĩ vào ngày 11/11/2019 thì các giấy xác nhận “đang chờ cấp bằng Thạc sĩ” đối với bà T. sau thời điểm này đều không còn giá trị gì.

Đến ngày 14/11/2019, Học viện có quyết định phê duyệt bà T. đủ tiêu chuẩn, điều kiện xét tuyển (sau khi có bằng thạc sĩ 3 ngày), đến ngày 9/12/2019 Học viện có quyết định trúng tuyển vòng 2 phỏng vấn. Theo các mốc thời gian này, việc bà T. trúng tuyển viên chức là hoàn toàn đúng với qui định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số qui định về tuyển dụng công chức, viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế cho Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”, luật sư Bẩy nói.

Nhóm PV