Chuỗi cung ứng hàng hóa, nhìn từ TP Hồ Chí Minh
Dư luận những ngày vừa qua vẫn còn bàn luận về chuyện người dân TP HCM gặp khó khi mua thực phẩm, nhất là các loại rau củ quả trong những ngày đầu TP thực hiện giãn cách. Một số hàng hóa thiết yếu không chỉ khó mua, mà còn bị đẩy giá rất cao so với ngày thường. Cơn sốt hàng hóa tại TP HCM, và một số địa phương phía Nam khi cùng lúc 19 tỉnh, thành cùng thực hiện giãn cách xã hội cho thấy các bộ, ngành chức năng cần chuẩn bị những kịch bản tốt về cách tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản nhằm đảm bảo ổn định đời sống của người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Thời điểm khó khăn bủa vây
TP HCM những ngày đầu thực hiện giãn cách bộc lộ sự bối rối trong phân phối chuỗi cung ứng hàng hóa dẫn đến sự cố đứt gãy cục bộ, khiến người dân rơi vào tình trạng lo lắng. Ngay trong cuộc họp tổng kết của TP sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Giám đốc Sở Công thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ: Có thời điểm TP đã thiếu hụt đến 1.000 tấn lương thực thực phẩm tươi rau củ quả mỗi ngày so với con số trung bình là 7.000 tấn trước khi có dịch xuất hiện.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi mà thời gian đầu thực hiện cách ly phần lớn chợ đầu mối và chợ truyền thống, những điểm bán nhỏ lẻ ở TP HCM đã phải “cửa đóng then cài” phòng dịch. Trong khi thông thường thì kênh truyền thống tải đến hơn 70% lượng hàng đến tay người tiêu dùng. Các kênh hiện đại như siêu thị, hoặc cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử chỉ có công suất tải được 30%. Do đó đã dẫn đến tình trạng quá tải trong hệ thống siêu thị. Người dân trong những ngày đầu thực hiện cách ly rất vất vả tìm mua hàng hoá.
Ông Vũ cũng thừa nhận, từ ngày 1/7, TP HCM huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại... nhưng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thì hàng hóa vẫn thiếu hụt do khó khăn về luân chuyển, giao thông, tăng chi phí, yếu tố tâm lý của người dân trước các tin đồn… dẫn tới tình cảnh người dân tập trung rất đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua.
Đại diện siêu thị của Saigon Co.op cũng nêu thực trạng, lợi dụng việc giá siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại các siêu thị xuất hiện hiện tượng một số cá nhân gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán giá cao, để hưởng chênh lệch. Chính điều này khiến một số mặt hàng đứt hàng cục bộ, không châm hàng kịp dẫn đến tình trạng người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng…
Nhớ lại thời điểm hàng hoá khan hiếm, chị Nguyễn Thị Vân Hà, đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận kể lại: Tôi đi siêu thị từ 7h sáng mà 3h chiều mới tới lượt thanh toán. Lượng khách đến mua sắm trực tiếp tăng chóng mặt, nhiều mặt hàng sạch trơn từ sáng sớm. Muốn mua hàng online cũng rất khó vì các kênh đều quá tải. Có đặt được hàng online thì 2-3 ngày mới tới nơi. Không ít người đã phải chạy đôn chạy đáo khắp các siêu thị mới mua đủ đồ ăn và đồ dùng cần thiết cho gia đình.
Làm gì để chuỗi cung ứng thông suốt?
Từ câu chuyện của TP HCM, ngay sau khi có thông tin về việc thực hiện giãn cách xã hội ở 19 tỉnh phía Nam, các bộ ngành giữ vai trò chủ chốt đã lập tức bắt tay vào việc chống đổ gãy chuỗi cung ứng hàng hoá.
Đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược, toàn diện để làm sao cho chuỗi cung ứng hàng hoá thông suốt, hoạt động hiệu quả hơn đảm bảo cung cấp hàng hoá cho người dân phía Nam. Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: Tổ công tác đặc biệt đã được Bộ trưởng ký ban hành ngày trong đêm 19/7 và ngày 20/7 tổ công tác đã có mặt tại TP HCM để trực tiếp phối hợp và và trực tiếp xử các vấn đề để làm sao tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, để phối hợp với các địa phương làm sao để đáp ứng yêu cầu vận tải tốt nhất trong vấn đề chống dịch.
Còn Tổ Công tác của Bộ Công thương có nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng thiết yếu nhằm đảm bảo cung ứng cho người dân TP HCM và các tỉnh phía Nam. Cục quản lý thị trường và quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông hành hoá. Những hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn điện lực Việt Nam tập trung điều tiết điện, không để thiếu điện sinh hoạt, không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và điện cho các cơ sở y tế, các khu cách ly tại TP HCM và các tỉnh phía Nam trong bất kỳ tình huống nào.
Đặc biệt, tại Hội nghị trực tuyến với 19 sở chuyên ngành tại TP HCM và các tỉnh phía Nam nhằm thúc đẩy sản xuất cung ứng và tiêu thụ nông sản, lương thực thực phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thống nhất với các địa phương xây dựng các chuỗi kết nối đưa nông sản vào siêu thị, các chợ trung tâm của TP. Đồng thời đề nghị các Sở chuyên ngành quan tâm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, nhất là cơ sở giết mổ, cơ sở đóng gói các sản phẩm đảm bảo yêu cầu phòng chống dich Covid-19, triển khai thương mại điện tử để bán hàng.
Nhóm giải pháp phân phối lưu thông hàng hóa đến tay người dân cũng phải được triển khai quyết liệt. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa miền Nam: Điều kiện tiên quyết ở đây là đảm bảo cung ứng hàng hóa phải mở lại các chợ truyền thống. Và chính quyền TP.HCM đang thực hiện mở lại các chợ truyền thống.
Hà Nội không để “sốt ảo”
Từ 6 giờ sáng 24/7, thành phố Hà Nội bắt đầu áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.Để chuẩn bị cho mọi tình huống trong bối cảnh diễn biến dịch nhanh, phức tạp, ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công thương tổng hợp danh sách các điểm bán hàng phân phối, cùng Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án "luồng xanh" vận chuyển hàng từ vùng sản xuất tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giúp hàng hoá tới tay người dân Thủ đô không bị tắc nghẽn.
Hà Nội cũng yêu cầu Sở Công thương rà soát lại hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng bình ổn... và tính toán lượng hàng cần, kết nối với chuỗi, vựa sản xuất của các tỉnh vùng lân cận. Lưu ý, sở ngành chức năng không lấy hàng tại một vùng, mà phải đa dạng vùng cung cấp. Có phương án thay thế khi một trong số vùng cung cấp ách tắc.
Từ kinh nghiệm bài học cung ứng hàng tại TP HCM, các đầu mối phân phối đề nghị ngành nông nghiệp Thủ đô có giải pháp khuyến khích các huyện ngoại thành chuyển đổi sang nuôi trồng các mặt hàng rau xanh, thịt, cá... Và đề nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho nhân viên ngành bán lẻ.
Để chuỗi cung ứng hàng hoá thông suốt trong mùa dịch, chuyên gia Vũ Vinh Phú- nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: Quan trọng là phải tổ chức được nguồn hàng cho hệ thống phân phối thành phố. Phải đảm bảo lên tục đều đặn không đứt gãy bởi những trở ngại của việc phòng chống dịch trên các cung đường vận chuyển đến thành phố. Ngành giao thông chỉ đạo quyết liệt việc tạo luồng xanh vận chuyển liên tục hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu tiêu dùng của người dân.
Thứ hai là vấn đề dự trữ ở khâu lưu thông. Với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hàng ngày thì hệ thống bán lẻ nói chung không thể không có hàng hoá dự trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Như vậy việc tổ chức bán ra mới có thể đều đặn không bị đứt gãy như tình trạng vừa xảy ra tại TP HCM.
Một giải pháp quan trọng nữa là công tác quản lý thị trường trong bối cảnh dịch bệnh phải được siết chặt. Lực lượng công an kinh tế, công an giao thông quản lý thị trường tài chính giá cả cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường một cách trọng tâm trọng điểm. Cần xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Địa phương phải kê được cái gì mình có, cái gì mình thiếu
Trong cuộc họp trực tuyến với các Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường phía Nam nhằm tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố từ 0h ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng. Có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp thời do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa.
Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, diễn biến dịch ở TP HCM và các tỉnh, thành phố khu vực Nam đang rất phức tạp và tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong các ngày tới. Vì vậy, việc cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu là nhiệm vụ lớn nên cần xác định tâm thế đây là “thời chiến” chứ không phải trong điều kiện bình thường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong mọi tình huống hai ngành Công thương và NNPTNT phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men. “Quan trọng là địa phương phải kê được cái gì mình có, cái gì mình thiếu, cần mua, cần bán, trên cơ sở đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo hai Bộ mới có thể điều tiết được”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các địa phương phải xây dựng kịch bản trong tình huống mức độ cao hơn. Trước hết có thể áp dụng cơ chế thị trường, phân phối hàng hóa mua bán trao đổi, nhưng nếu tình hình phức tạp, vai trò của Nhà nước rất quan trọng.
TP Hồ Chí Minh: Chợ truyền thống đã được mở lại
Để tháo gỡ câu chuyện thiếu thực phẩm và các nhu yêu phẩm cần thiết trong tuần đầu thực hiện giãn cách xã hội, ngày 19/7, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn về việc tổ chức cho chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Dư luận cho rằng, đây là việc làm cần thiết, để hàng hóa lưu thông theo hướng thuận lợi nhất, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân ở các địa bàn khác nhau vừa tạo điều kiện cho người dân buôn bán ở chợ có thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống.
Tính đến ngày 19/7, các quận huyện TP HCM đã mở cửa hoạt động trở lại ba chợ gồm: chợ Phú Thọ (Q.11), chợ An Đông (Q.5) và chợ Kiến Thành (Q.Bình Tân). Theo ghi nhận, nhiều quận huyện không còn chợ truyền thống nào hoạt động như quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú và huyện Hóc Môn, Nhà Bè...
Từ câu chuyện đứt gãy nguồn cung cấp thực phẩm, nhất là rau củ quả thiết yếu, một câu chuyện khác đang đặt ra, đó là các địa phương cần phải tính toán xây dựng những khu vực sản xuất, để đỡ bị động khi dịch bệnh hoành hành, giao thông gặp khó, hoặc bản thân người nông dân ở các địa phương khác không mặn mà với thu hoạch nông sản do tại địa phương đó cũng đang thực hiện giãn cách xã hội…