Quang Dũng: Thi họa song hành
Quang Dũng quê ở huyện Đan Phượng, xưa thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc về Hà Nội. Trong thơ ông, quê hương đã hiện ra thật thơ mộng: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/ Sáo diều vi vút thổi đêm trăng...”.
Xứ Đoài quê Quang Dũng là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử trải cả ngàn năm, những truyền thống văn hóa, lịch sử đó đã thấm sâu trong con người ông.
Lớn lên đi học, Quang Dũng chịu sự ảnh hưởng lớn của nhóm Tự lực Văn đoàn và văn học lãng mạn Pháp như rất nhiều thanh niên thời đó. Ông từng quả quyết: “Tôi yêu thơ và làm thơ hoàn toàn ngẫu nhiên. Thời đi học tôi rất mê Đường Chi tam bách thủ, nhất là những bài dịch của nhà thơ Tản Đà. Tôi cũng say Thơ mới như bất cứ một học sinh nào thời đó. Nhưng tôi thích thơ Thế Lữ hơn cả, đặc biệt bài “Nhớ rừng”, bởi tâm trạng sơn dã của nó. Một nhà văn nữa là Thạch Lam. Thạch Lam không chỉ viết văn mà còn dịch những bài thơ văn xuôi của Pháp. Và có lẽ tôi tiếp thu được gì ở thơ ca Pháp ngày ấy, cũng do đọc các bản dịch này...”.
Yêu văn nghệ, yêu cái đẹp, thời thanh niên ông từng đánh đàn, kéo nhị cho một gánh hát chèo, và đã sáng tác nhiều bài tân nhạc nhưng thất lạc cả, nay chỉ còn lưu giữ được bài “Ba Vì mờ sao”. Nhiều người cùng thời kể rằng: Quang Dũng là một người toàn tài: Viết văn, làm thơ, đàn hay, võ giỏi…
Năm 1945, ông tham gia Cách mạng Tháng Tám, sau đó gia nhập Trung đoàn Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội với tinh thần bi hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, Quang Dũng là phái viên Phòng Quân vụ Bắc Bộ, theo học một khóa quân sự tại Tông (Sơn Tây), rồi gia nhập đoàn quân Tây Tiến, chiến đấu nơi miền rừng núi biên giới Việt - Lào.
Khi Trung đoàn Tây Tiến giải thể vào năm 1948, Quang Dũng lúc ấy là Đại đội trưởng, về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III ở làng Phù Lưu Chanh (tên một tổng của Hà Nam thời Pháp). Ở nơi này, ông đã làm bài thơ “Tây Tiến” và rất nhanh bài thơ này được phổ biến rộng rãi. “Tây Tiến” nổi tiếng bao nhiêu thì cũng ám ảnh ông tới mãi sau này bấy nhiêu, bởi “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”.
Câu nói “Thi trung hữu họa” của người xưa khi vận vào Quang Dũng thật là chuẩn xác. Ở con người thi sĩ Quang Dũng, hội họa luôn song hành, mỗi bài thơ ông viết, hoặc chép ra ở sổ tay đều có vài hình minh họa đi kèm. Quang Dũng tự làm bìa, tự minh họa cho những bài thơ, bút kí và sách của mình. Theo kể lại, thì máu mê hội họa trong Quang Dũng không kém gì thi ca và có lẽ ông bắt đầu vừa vẽ vừa làm thơ cùng lúc.
Với hội họa, Quang Dũng đã từng minh họa cho một số tác phẩm của Nhất Linh… Trong kháng chiến chống Pháp, ông khai trong lý lịch: Là họa sĩ công tác trong tổ mỹ thuật của Liên khu 3. Điều này cho thấy, ngoài khả năng bẩm sinh, ông còn có thời gian học tập và hoạt động mỹ thuật khá sôi nổi, cho dù là tự học.
Những bức tranh của ông sau này phần lớn là vẽ phong cảnh những nơi ông đã từng qua, vùng biên giới, vùng trung du Hòa Bình, riêng vùng Ba Vì và Tam Đảo ông vẽ khá nhiều… Quang Dũng yêu núi rừng, biển cả nhưng chả mấy khi được ngao du… nên có dịp đi đâu là ông lại mang theo màu và giấy để ghi chép lại những hình ảnh ven biển, sông nước, đồi cây, nắng chiều, đường vắng…
Sự vật hiện ra trước mắt mỗi người một khác, bởi mỗi người nhìn nó trong một phối cảnh viễn cận khác nhau. Nghĩa là một không gian khác nhau. Có lẽ với Quang Dũng, những gì ông vẽ ngoài việc thỏa mãn tính ưa ngao du của ông, còn là bộc lộ ra một không gian riêng của Quang Dũng. Cái không gian mộc mạc, giản dị nhiều khi u sầu, có khi chỉ là một cánh buồm xơ xác, một cánh hoa gạo đỏ, một bóng người liêu xiêu nơi lối mòn nơi biên giới, một ngã ba sông, một triền đê… chỉ vậy thôi cũng làm trái tim thi nhân của ông rung động và ngay lập tức nó phải được ghi lại, lưu lại…
Quang Dũng vẽ nhiều khi buông bỏ chi tiết, chỉ lấy không khí chung, không gian chung nên dễ gây cảm giác “chưa hoàn thiện” với người thưởng lãm… Nhưng với ông - một thi nhân khao khát thiên nhiên, thì việc mơ mộng còn cần thiết hơn là sa vào những lí thuyết mông lung mà rồi cũng không cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên đầy mới lạ nơi thiên nhiên kì thú. Thơ Quang Dũng thường buồn, có đôi chút bâng khuâng, man mác.
Tranh của ông cũng vậy… Lặng lẽ, vắng vẻ nhưng vẫn “ngượng nghịu ngây thơ, vừa dạt dào tươi mát” như thuở ban đầu. Ông đến với hội họa, tình yêu cuộc sống vẫn hiển hiện trên từng bức tranh. Nói vậy nhưng “cái sự vẽ” của thi nhân đôi lúc cũng giúp được gia đình đôi phần trong cái giai đoạn bao cấp khó khăn. Những năm 70 của thế kỉ trước, nhà nhà làm thêm, người người làm thêm, gia đình ông cũng mải miết làm thêm: con gái đan gấu áo len cho mẹ; con giai nhận móc túi lưới, vợ dệt áo… thi nhân “lẻn” vào một góc lấy màu và giấy vẽ một vài bức tranh phong cảnh Hạ Long rồi lén mang đi... nhiều ngày. Một ngày cả nhà thấy ông hớn hở trở về, rút trong túi ra một ít tiền đưa cho vợ… Hình như ông vui vì cái mơ mộng của ông cũng không đến nỗi “vô tích sự”.
Quang Dũng vẽ nhiều nhưng cũng để thất lạc nhiều. Tranh của Quang Dũng thất lạc có nhiều lý do, trong đó chủ yếu do ông thường đem tranh tặng bạn bè. Nói theo tâm lý học, việc không quan tâm tới lưu giữ tác phẩm của mình cũng là thói thường của đàn ông, chỉ cần thỏa mãn cái tôi của mình trong lúc ngẫu hứng… Còn việc lưu giữ là của người khác… Câu chuyện tìm lại được bức tranh mang tên “Bến Ngọc” được Quang Dũng vẽ năm 1960 cũng đã minh chứng phần nào cho việc thất lạc của tranh ông.
Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng kể: “Bức vẽ “Bến Ngọc” đã thất lạc trong nhiều năm, gần đây được một người bạn của bố tôi tặng lại gia đình. Nâng niu bức tranh đã bị rách, bốn góc phải “băng bó” và phía sau bồi bằng một tờ bìa mỏng trông thật “tội nghiệp”. Tôi không khỏi bồi hồi khi hình dung ở trên Bến Ngọc này, cách đây hơn 60 năm, một đoàn những chàng trai Hà Nội tràn đầy sức xuân, trong đoàn quân Tây Tiến hăng hái nhận nhiệm vụ. Trong đoàn quân ấy có cha tôi, và bài thơ “Tây Tiến” đã ra đời sau khi cha rời xa đơn vị ít ngày”.
Tranh của Quang Dũng hiện được gia đình thu thập lại từ nhiều nguồn. Số ở trong gia đình giữ chỉ còn hơn chục bức. Bức tranh bột màu “Trưa mùa gặt” được thấy ở trời Tây, hiện được nhà nghiên cứu Đặng Tiến giữ, phía sau có ghi: “Ai mở ra xin giữ hộ tôi tranh này. Xin trân trọng cảm ơn. Quang Dũng”.
Chủ nhân bức tranh (Quang Dũng) đã không biết tác phẩm của mình sau này sẽ về neo đậu nơi đâu. Dù biết tác phẩm của mình sẽ có số phận lênh đênh, nhưng ông vẫn tin rằng ai đó sẽ yêu và giữ nó thay ông. Họ giữ, họ yêu các tác phẩm của ông bởi đó là những bức tranh đã được ông vẽ bằng những rung động nghệ thuật trong sáng, chân thực nhất của trái tim ông - thi sĩ Quang Dũng.
Nhà thơ Quang Dũng (11/10/1921 - 13/10/1988), tên khai sinh là Bùi Đình Diễm. Ông từng được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.
Năm nay, dự kiến có nhiều hoạt động để tưởng nhớ 100 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng. Con gái nhà thơ cho biết, Viện Văn học có ý định tổ chức hội thảo về nhà thơ Quang Dũng và tác phẩm của ông. Còn gia đình thì mong muốn cùng với Nhà xuất bản Kim Đồng- nơi đã xuất bản cuốn hồi kí “Đoàn binh Tây Tiến” của Quang Dũng - tổ chức một cuộc tặng bản thảo gốc cuốn sách này cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam…