Điều còn mãi

Nhà văn Nguyệt Tú 31/07/2021 09:00

LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), Tinh hoa Việt trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của nhà văn Nguyệt Tú, vợ Chủ tịch Lê Quang Đạo.

Ông Lê Quang Đ.ạo

Đã hơn 70 năm từ lúc khởi đầu một mái nhà tranh và hơn 20 năm từ ngày anh Lê Quang Đạo, người chồng - người cha của gia đình đã ra đi. Trong hơn 50 năm, nhiều tháng năm kẻ Đông người Tây, người đi ra trận kẻ ở hậu phương nhưng luôn luôn “chim liền cánh, cây liền cành”.

Tại nhà anh Lê Quang Đạo ở Đình Bảng (Bắc Ninh) có treo 3 bức hoành phi răn dạy con cháu sống thanh tao, kỷ cương và hiếu học. Gia đình chúng tôi đã làm đúng và làm được theo lời di huấn. Nền tảng và sợi dây gắn kết những lời răn dạy này chính là tình cảm trong gia đình mà anh là rường cột.

Năm nào cũng vậy, đúng ngày mồng 2 Tết anh Lê Quang Đạo về thăm quê Đình Bảng. Là người chu đáo và cẩn thận, anh luôn tính thời gian đi thăm hỏi và tặng quà Tết đầy đủ 22 gia đình. Lần nào anh cũng đưa các con theo cùng, có khi con gái đầu, có năm các con trai.

Tình cảm và quan hệ giữa anh Đạo và cha tôi, danh họa Nguyễn Phan Chánh, rất đặc biệt. Sau năm 1954 anh đã gợi ý và động viên họa sĩ đang ở quê Hà Tĩnh quay lại dạy trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nhờ thời gian cha tôi ở Hà Nội đã có những tranh “Sau giờ trực chiến”, “Trăng tỏ”, “Trang lu”... được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Trừ lúc đi chiến trường, anh đều đặn cùng các con đến đón giao thừa tại “ngôi nhà nghệ sĩ” ở 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nơi cha tôi sống trong căn phòng nhỏ vừa là xưởng vẽ của ông.

Đầu năm 50, anh ở chiến khu, là Phó Ban Tuyên truyền Trung ương (Tổng Bí thư Trường Chinh là Trưởng ban). Tôi ở vùng tự do Hà Tĩnh, vừa có cháu gái đầu giữa năm 1949. Lá thư anh gửi ngày 23/4/1950 có đoạn: “… Tối qua anh nhận được thư, ảnh của mẹ con. Úi chà! Thú quá. Anh đọc đi đọc lại, ngắm con rồi nhìn mẹ... Em vừa đi học, vừa nuôi con lại vừa công tác nhưng anh vẫn cứ ngỡ là như vậy thì em giữ gìn sức khỏe sao được?”. Trong thư ngày 6/5/1950, anh viết: “...Con nó thế nào? Nó 10 tháng rồi em nhỉ!... Nom ảnh nó sao mà dễ ghét thế. Họ cứ đùa là ngắm mẹ hơn ngắm con. Nhưng thật ra anh say với cả hai...”.

Trong 3 năm tôi học trường Đảng cao cấp tại Liên Xô, một mình anh ở Việt Nam nuôi dạy các con. Tuần nào anh cũng nhắc các con viết thư cho mẹ kể rõ về học tập, sức khỏe để mẹ yên tâm học. Dù 60 năm đã qua đi các con tôi vẫn nhớ như in đều đặn buổi tối cuối tuần bố đưa đi gửi thư của từng người trong nhà cho mẹ, mua sách và ăn kem ở Bờ Hồ.

Khi tôi tốt nghiệp ở Liên Xô về nước cũng là năm bắt đầu chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Là phóng viên báo Nhân Dân tôi thường đi công tác các tỉnh. Chiến tranh rất bận rộn nhưng anh đều thu xếp thời gian về Đình Bảng thăm thầy đẻ và cùng tôi đi thăm các con nơi sơ tán. Anh rất chú ý nhắc nhở, hướng dẫn các con thích nghi cuộc sống thôn quê và các bạn học. Tôi còn nhớ rõ những ngày anh đeo ba lô gạch đi bộ vòng quanh khu nhà 28D Điện Biên Phủ để chuẩn bị đi chiến trường.

Ông Lê Quang Đạo và bà Nguyệt Tú thời trẻ. Ảnh tư liệu.

Cuối năm 1967 anh Lê Quang Đạo, Chính ủy, và anh Trần Quý Hai, Tư lệnh, nhận nhiệm vụ mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh lịch sử để thu hút lực lượng địch, đánh lạc hướng địch cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Sau khi mở màn chiến dịch ít hôm bộ chỉ huy chiến dịch bị máy bay B52 dội bom gần một giờ. Bom ném vỡ núi, đá lăn xuống dập lên đoàn cán bộ của anh Đạo. Hai đồng chí bảo vệ Hóa và Oánh bị đá đập vỡ bụng khi nằm đè lên anh. Đến địa điểm mới, đào hầm, cảnh giới... suốt ngày đêm không có gì ăn. Cả đoàn còn sót bát thính rang từ cơm nguội. Bác sĩ Trung đi với anh kể lại: “Bát thính được chia làm 13 phần, mỗi phần chỉ vài trăm hạt, cho một lần vào miệng lọt thỏm. Cầm phần thính anh Đạo chỉ nhận phân nửa, còn phân nửa anh đưa tới một đồng chí vừa dứt cơn sốt rét, vì anh biết rằng sau cơn sốt rét cái đói và cái khát càng ghê gớm hơn”.

Chiến dịch căng thẳng và bận rộn nhưng anh Đạo luôn có thư về nhà. Trong thư gửi tôi ngày 7/4/1968 anh viết: “Những lúc vượt đèo núi, xuyên rừng, lội suối, anh lại nhớ đến ngày đi cùng Tuệ ở núi rừng Việt Bắc năm xưa... Tháng 9 này là kỷ niệm đúng 20 năm ngày cưới của chúng mình đấy”. Thư ngày 8/4/1968 gửi các con trai có đoạn: “...Cũng như cơ thể con người muốn khỏe mạnh, rắn chắc là phải luôn luôn rèn luyện, ăn uống đủ và phải không ngừng chống lại mọi bệnh tật. Cho nên con phải luôn luôn nhớ là không bao giờ được lùi bước trước bất cứ 1 sự khó khăn, vấp váp nào và cũng không bao giờ được thỏa mãn trước bất cứ một sự tiến bộ, thành đạt nào...”.

Mùa thu 1968 kết thúc Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Ra Bắc nghỉ chưa được 10 ngày, anh Đạo quay lại Quân Khu IV nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh 500, đảm nhiệm vận tải chiến lược từ miền Bắc vào Đoàn 559. Lúc này bom đã ngừng từ vĩ tuyến 21 trở ra. Địch tập trung bom đạn vào vùng Bộ Tư lệnh 500. Hai năm liền lãnh đạo chiến đấu căng thẳng, Anh bị cơn đau tim đột ngột khi đang lội suối hàng quân, phải cấp cứu gấp ra Bắc giữa năm 1969.

Chiến dịch lịch sử Đường 9-Nam Lào năm 1971, anh Lê Quang Đạo là Chính ủy, anh Lê Trọng Tấn là Tư lệnh. Thư đề ngày 8/2/1971 anh gửi cho con gái từ chiến truờng có đoạn: “... À có 1 điều bố nhắc con là bây giờ bố mới biết hồi bà ngoại mất, con có ở với bà dì mấy tháng được bà dì săn sóc. Con nên có thư thăm hỏi bà dì...”.

Đầu năm 1972, anh Lê Quang Đạo và anh Lê Trọng Tấn lại nhận nhiệm vụ Chính ủy và Tư lệnh Chiến dịch Trị-Thiên. Lần đi chiến trường này kéo dài gần một năm, là chiến dịch ác liệt nhất. Ở chiến trường, anh vẫn tìm được thời gian viết nhiều thư về nhà, dặn dò tỉ mỉ mọi việc. Thư đề ngày 3/4/1972 góp ý tôi về thời gian viết văn có đoạn viết: “...Trong công tác không phải bao giờ cũng có thể chủ động theo ý mình được. Điều quan trọng là khéo thu xếp, biết tranh thủ... để vừa làm tốt nhiệm vụ đồng thời vừa làm những việc khác theo ý muốn của mình. Về sức khỏe, chú ý lúc bình thường đừng chủ quan, lúc đau, yếu gì thì bình tĩnh, chớ nên lo lắng quá..”.

Thầy đẻ anh Lê Quang Đạo sinh nhiều con. Anh là con thứ 5, các con sinh trước đều mất rất sớm. Khi có mang anh, bà cụ kiêng khem rất kỹ, hầu như chỉ ăn nước mắm chưng. Lúc sinh ra rất bé, lớn lên anh nhỏ người. Anh có hai lần bị ngất tại chỗ do tập trung suy nghĩ quá sức. Một lần khi đang ở Sở chỉ huy chiến dịch Quảng Trị 1972, thời gian quân ta bảo vệ Thành cổ dưới mưa bom B52 bị thương vong lớn. Một lần nữa khi đang viết bài phát biểu đọc tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 cuối năm 1973, hội nghị tổng kết chiến tranh chuẩn bị cho Tổng tiến công Mùa xuân 1975.

Tôi và anh Đạo quen nhau năm 1946, khi anh là Bí thư Thành ủy và tôi là cán bộ mật mã ở Ủy ban Kháng chiến Hà Nội. Anh vẫn giữ bản gốc lá thư nhỏ giấy mỏng tôi viết “Chép tặng Anh, Việt Bắc 12/4/48” bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Nga Constantin Simonov (Tố Hữu dịch):

“...Đợi anh anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ...
...Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về...”

Từ lúc viết lá thư này cho đến tận hôm nay, trong tôi dường như chưa bao giờ có cảm nghĩ anh Lê Quang Đạo sẽ ra đi mãi. Chắc chắn một ngày nào đó lại thấy anh “trông nói cười vui vẻ” như bao lần tôi và các con đón anh từ chiến trường trở về.

7/2021

Nhà văn Nguyệt Tú