Quan tâm người nhiễm HIV trong đại dịch Covid-19
Theo những nghiên cứu mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận rằng, gần một phần tư (23,1%) tổng số người nhiễm HIV nhập viện với Covid-19 đã tử vong.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đặt ra những thách thức liên quan đến các dịch vụ xét nghiệm HIV và chăm sóc cho những người mới được chẩn đoán nhiễm HIV, những người cần có mức độ theo dõi lâm sàng cao hơn cho cả sức khỏe thể chất và tâm lý của họ.
Với Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các bác sĩ lâm sàng HIV và những bệnh nhân đang điều trị là làm thế nào để bảo đảm rằng những người hiện đang điều trị ARV tiếp tục có nguồn cung cấp thuốc liên tục và vẫn tuân thủ điều trị.
Việc kê đơn thuốc dài hạn (tối đa 3 tháng) được phổ biến và đã giải quyết thời điểm đầu dịch Covid-19 tại Việt Nam đã đem lại những kết quả tích cực, vừa bảo đảm thuốc cho bệnh nhân mà vẫn bảo đảm tinh thần chống dịch, không làm gián đoạn quá trình điều trị.
Tuy nhiên, từ đầu 2021, Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu thuốc điều trị HIV, một phần do sự chậm trễ liên quan đến dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Bệnh nhân HIV thường nhận lượng thuốc dùng cho vài tháng trong một lần cấp phát, tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt, thuốc điều trị hiện đang được chia theo định lượng và cấp phát cho bệnh nhân với số lượng ít hơn.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã đẩy mạnh những nỗ lực đối với việc chuyển đổi đã được lên kế hoạch từ trước sang sử dụng loại thuốc điều trị HIV mới được ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, loại thuốc mới này chưa thể nhanh chóng có mặt tại Việt Nam. Do đó, tình trạng thiếu nguồn cung thuốc điều trị HIV nói chung và việc ngừng cấp phát thuốc dùng cho nhiều tháng đã làm tăng gánh nặng lên các cơ sở y tế và tăng thêm sự lo lắng của bệnh nhân, cũng như tạo ra những thách thức trong việc duy trì điều trị liên tục trong giai đoạn khó khăn này.
Ở một khía cạnh khác, Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng cho rằng: người có HIV thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhiễm HIV là một tình trạng mãn tính, người có HIV thuộc nhóm có bệnh mãn tính, nếu bị mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ diễn biến nặng.
Cục trưởng Cục Phòng chống AIDS Việt Nam PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đã khẳng định người có HIV là đối tượng thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine. Các loại vaccine Covid-19 đã được WHO phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Một số vaccine như AstraZeneca và Pfizer đều đã được thử nghiệm trên một số người có HIV và cho thấy là an toàn.
Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế khuyến cáo một số bước mà người nhiễm HIV có thể thực hiện để bảo vệ bản thân, ngoài những khuyến cáo chung cho tất cả cộng đồng, gồm: Hãy chắc chắn bạn có đủ ít nhất 30 ngày thuốc ARV, cùng các loại thuốc và vật tư y tế khác bạn cần để kiểm soát HIV.