TP Hồ Chí Minh chỉ còn 27/237 chợ truyền thống đang hoạt động
Ngày 31/7, theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, cả thành phố chỉ còn 27 chợ truyền thống hoạt động.
Đáng lưu ý, 27 chợ này chủ yếu ở vùng ven ngoại thành. Các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Như vậy, từ ngày 19/7 đên này, từ 40 chợ truyền thống còn hoạt động giảm xuống còn 32 chợ.
Hiện hay chỉ còn 27 chợ đang kinh doanh mua - bán. Đây chính là nguyên nhân khiến áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, mặc dù các hệ thống siêu thị đã tăng thời gian hoạt động từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Tuy nhiên, do việc tăng cường thực hiện giãn cách nên các siêu thị chỉ được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều.
Thời gian mua sắm của người dân ít lại, một số địa bàn có lượng điểm bán ít và dân cư đông dẫn đến cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.
Sở Công Thương đề xuất tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại thì sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận.
Sở đang có kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động tại một số điểm thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời. Sở đã tăng đầu xe bán hàng lưu động lên gấp đôi, ngày mai có khoảng 50 xe và sắp tới dự kiến tăng lên 100 xe để hỗ trợ cho các quận – huyện.
Trước tình hình dịch bệnh, Sở Công thương yêu cầu, chuyển đổi phương thức bán hàng. Trước đây bán hàng trực tiếp và phát phiếu mua hàng cho người dân thì hiện nay sẽ thực hiện đăng ký mua hàng trước thông qua giỏ hàng trên các app của siêu thị.
Sở Công thương cũng mới yêu cầu, phiếu mua hàng thiết yếu phải có mã QR. Nghĩa là, ngoài việc phân chia lượt đi chợ cho mỗi hộ dân 2 lần trong một tuần, trên phiếu mua hàng thiết yếu cần thực hiện tích hợp mã QR. Việc này phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng và những người ra vào điểm bán.
Phiếu mua hàng thiết yếu cần thể hiện đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Mỗi hộ dân chỉ cử một người đại diện mua hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán theo khung thời gian địa điểm cung ứng phù hợp.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng hàng hoá hàngngày cho chính quyền địa phương để có phương án phân bổ tần suất đi mua thực phẩm của người dân trên địa bàn.
Theo Sở Công thương TP HCM, việc phát phiếu đi chợ, siêu thị là để phục vụ việc truy xuất thông tin hỗ trợ công tác phòng chống dịch nhanh chóng hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình triển khai lượng khách ra vào chợ, siêu thị... vẫn chưa được khống chế. Một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh.