Các biện pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian giãn cách

An Chi 01/08/2021 14:00

Với mục đích phòng ngừa bạo lực và xâm hại tình dục đối với trẻ em trong thời gian giãn cách tại nhà, tổ chức UNICEF đã hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc trẻ về đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thời gian cách ly do Covid-19 tại nhà.

Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng.

Thông tin từ Tổng đài 111, trong ba tháng đầu năm 2021, đơn vị tiếp nhận 77.920 cuộc gọi đến; trong đó có 2.476 cuộc gọi tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, các mối quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, chính sách, pháp luật về trẻ em; 280 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột, mua bán và vi phạm quyền trẻ em.

Việc cách ly xã hội sẽ vô tình khiến trẻ em, nạn nhân của bạo hành, xâm hại tình dục không có cơ hội để chạy trốn hay cầu cứu bất kỳ ai. Đại dịch Covid-19 đã trở thành nỗi ác mộng đối với những đứa trẻ đang hứng chịu đòn roi, đánh đập hay thậm chí là lạm dụng tình dục, theo The New York Times.

Ông Nina Agrawal - giáo sư trợ lý nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến sự chôn chân trong nhà khiến phụ huynh, người đang phải vật lộn với nỗi lo kinh tế, không còn đủ thời gian và kiên nhẫn đối với trẻ nhỏ. Chính vì thế, nguy cơ về lạm dụng trẻ em, bao gồm lạm dụng tình dục, là không thể tránh khỏi.

Theo đại diện UNICEF Nguyễn Thị Y Duyên, bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân, không chỉ tức thời mà rất lâu dài. Trẻ em bị bạo lực từ bé sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và trí tuệ, kém tự tin, giao tiếp xã hội kém hơn, và ít thành công trong cuộc sống sau này so với những người cùng trang lứa.

Bên cạnh đó, hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em và gia đình mà còn tác động tiêu cực lên toàn xã hội. Một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho thấy, tổng thiệt hại của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khỏe và hậu quả của các hành vi gây nguy hại tới sức khỏe lên tới 209 tỷ USD (năm 2012) hoặc gần 2% GDP của khu vực.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại

Bạo lực, xâm hại trẻ em là trường hợp trẻ bị một người khác làm hại đến sức khỏe, tình cảm, hạnh phúc và sự phát triển bình thường về mặt thể chất và tinh thần. Gồm 04 loại chính:

Xâm hại về thể chất: Trẻ bị bạo hành có dấu hiệu tổn thương vật lý về cơ thể, không chỉ là những hành vi nguy hiểm tới tính mạng như: làm trẻ bị bỏng, ngạt nước, đá, đánh, cắn trẻ, ném một đồ vật vào trẻ, trói cột trẻ;

Xâm hại về tình dục: Các hành vi tình dục mang tính chất xâm hại về mặt thể chất và tinh thần gồm: cho trẻ tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy, các hành vi xâm hại tình dục cơ thể;

Xâm hại về tinh thần: Các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, sinh lý tình cảm của trẻ: như la mắng, so sánh trẻ với các trẻ khác trong quá trình giáo dục, thiếu sót về cách dạy trẻ truyền đạt cảm xúc, tình cảm, dẫn đến tự ti, mặc cảm;

Bỏ mặc trẻ: Tình trạng trẻ em sống trong điều kiện, môi trường nguy hiểm trong thời gian dài, không có dấu hiệu được chăm sóc do sự thiếu hụt về thức ăn, điều kiện thời tiết, điều kiện vệ sinh môi trường sinh sống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ giáo dục.

Hình thức bạo lực, xam hại trẻ em

Bạo lực tinh thần: Kỳ thị, miệt thị, mắng/chửi, xúc phạm, đe dọa, hay tạo áp lực căng thẳng (học tập, chứng kiến bạo lực gia đình).

Bạo lực thể chất, ngược đãi: Đánh đập, hành hạ, phạt quỳ, ném đồ vật vào người hoặc những hành vi cố ý khác gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ.

Xao nhãng: Bỏ bê, không quan tâm, không chăm sóc các nhu cầu cơ bản của trẻ, không giám sát và bảo vệ trẻ dẫn đến trẻ có nguy cơ bị tổn hại.

Xâm hại tình dục: Bao gồm các hành vi như đụng chạm vào vùng riêng tư trên cơ thể trẻ; dụ dỗ tham gia các hành vi tình dục; hiếp dâm; ép buộc xem bộ phận sinh dục hay tài liệu khiêu dâm; dùng lời nói tán tỉnh thô tục mang nội dung tình dục.

Cần làm gì để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em?

Để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, tổ chức UNICEF đã hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc trẻ về đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thời gian cách ly do Covid-19 tại nhà. Theo đó, cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần:

  • Nhận biết được các dấu hiệu xâm hại hoặc bạo lực để can thiệp kịp thời;
  • Quản lý cảm xúc của bản thân tốt để tránh chính mình gây bạo lực tinh thần và thể chất đối với con như: Giữ bình tĩnh trong mọi tình huống; Tránh trừng phạt, đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm con; Kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện với con để tìm hiểu lý do và giúp con điều chỉnh; Đặt ra các quy tắc rõ ràng để con hiểu rằng con cần phải thực hiện và tuân thủ những quy tắc đó; Quản lý việc con vào mạng internet một cách tích cực để giúp con hiểu và phòng tránh những nguy cơ trên mạng.

An Chi