Tiếng vọng dòng sông
Chẳng hiểu sao tôi luôn chạnh nhớ những dòng sông, đúng ra là những con sông nhỏ thôi, rất nhỏ, ngoằn ngoèo chảy quanh làng, ôm lấy xóm làng thân thuộc của chúng tôi. Như vòng tay mềm mại của người mẹ đất đai ôm bọc lấy quê hương xứ sở. Như vòng tay người mẹ quê chất phác dịu hiền ôm ấp đứa con thơ.
sông đầu tiên mà tôi biết, một con sông không tên xinh đẹp chảy giữa hai làng, qua bốn mùa mưa nắng, nước trong veo, nhìn thấy cả rong rêu lững lờ chao lượn. Những đám bèo lục bình đu đưa trong gió, những làn khoai dại, rau muống xanh tốt dọc hai bờ. Những con cá quẫy nước sau mưa, để lại trên mặt sông những vòng cung sóng vỡ…
Trong bóng nước dòng sông, hai dải làng xanh đôi bên thắm tình ôm ấp, một cây sào vắt qua có khi đủ chạm tới đôi bờ. Cây cầu khỉ bắc qua cũng chỉ cần độ dăm ba nhịp, người bước nhanh thì chỉ dăm bảy bước là đã được sang sông. Nên vui nhất là khi nghe tiếng người bờ bên này vọng sang tới xóm bên kia. Sáng sáng, chiều chiều, tiếng gọi nhau của các bà các cô cứ í a í ới. Gọi nhau dậy sớm hái giúp mấy mớ rau muống để kịp đi chợ. Gọi cho nhau mấy quả ổi mới hái. Gọi cho nhau quả chay mới chín đầu mùa… Tiếng gọi tên nhau vang vọng, gọi cho một người mà cả xóm làng được nghe. Gọi cho một người mà khiến mặt sông xao động, hoa trên mặt nước mừng vui rung cánh, từng chú cá con ngơ ngác lượn chao. Những thanh âm vang động ấy, là thanh âm của tình thân xóm giềng sẻ lửa, chia cho nhau đẵn mía, củ khoai. Quả bưởi cho nhau, quăng nhẹ một tay là người bên này ôm trọn trước ngực như trái bóng tròn. Những giọng cười giòn tan óng ánh cả mặt nước sông.
Người làng ngày ấy thắm thiết, hồn nhiên, lấm láp với đất đai, ngô lúa. Học trò làng mới lớp bốn, lớp năm, trưa chiều đã biết cắp rổ bát rổ rau ra sông rửa. Đi rửa bát, giặt giũ thôi cũng hẹn hò, để bờ bên này nói chuyện với sang bờ bên kia, tiện còn hẹn nhau đến tối trăng lên thì đi chơi, đi tập văn nghệ, hay ngày mai đi làm cỏ lúa ở cánh đồng xa, thì nhớ gọi nhau đi cùng đấy nhé…
Sông quê xưa trong, sạch, mỗi độ chiều thu trời trong văn vắt, đứng nơi mé bờ là có thể nhìn thấu cả những cụm rong tóc tiên xanh rêu chao nhẹ đu đưa theo sóng nước, như mái tóc dài xao xuyến của những nàng con gái đương tuổi tròn trăng. Con mạt nước bé như cái tăm bơi loang loáng trên mặt nước dòng sông, chỉ thế thôi mà cũng cả nỗi niềm tuổi thơ ở đó. Ấy là niềm vui bất tận trong nín lặng kiếm tìm rình bắt và rạng rỡ chiến tích của bọn trẻ quê ngày đó, không biết đến ánh điện, cái ti vi hay bất cứ món đồ chơi thành thị nào. Chiều chiều rủ nhau ra sông tắm, không quên mang theo cái gáo dừa, ngồi trên cầu ao im lặng nín thở, tay lăm lăm cầm cái gáo, đợi đàn mạt nước bơi đến để chao.
Con mạt nước, nghe mỏng mảnh thương thương cái tên bé xíu. Thứ cá hiền lành, ngây thơ như lũ trẻ dại. Chúng đổ gáo cá vào cái rổ, bọn cá nhảy lưng tưng. Đếm đi! Đếm đi! Và đếm! Có đứa nghĩ ra việc đếm rồi chia nhau mang cá về cho gà ăn, nhưng chưa kịp nói dứt lời thì đứa kia đã đổ ụp cái rổ cá xuống, phóng sinh lũ cá ngơ ngác bơi lượn, rồi lại tinh nghịch chao cái gáo dừa vài cái, lũ cá dại dột lại được vớt lên. Chỉ đơn giản thế thôi mà cả một niềm thích thú ùa ập mỗi ngày. Mấy chú cá bé như cái tăm ngơ ngác, chẳng hiểu sao mình phải luẩn quẩn đụng đuôi trong cái gáo bé tựa bàn tay này, trong khi tiếng cười bọn trẻ vỡ giòn mặt sông. Mà có cô bé mỏng manh tơ liễu đứng từ xa nhìn lại, đôi mắt đen nhóng nhánh ngấn lệ, để rồi một ngày, ký ức bỗng đâu bật thành những vần thơ trìu mến: “Con mạt nước nổi lên rồi lặn xuống những vòng cung đàn vỡ/ Rong rêu hát điệu sầu của các nàng tiên/ Mau soi mình xuống nước dòng sông/ Thấy con còng vó nhảy choi choi đừng bắt/ Mà lòng sông cứ sáng/ Mau soi mình xuống nước dòng sông...”
Ừ đúng rồi những con còng vó! Chúng cứ nhảy choi choi trước mắt, nhìn vừa yêu vừa ghét. Bốn cái chân bé xíu, kỳ tài thay, cứ bám nhẹ hờ trên mặt nước như làm xiếc ấy! Và nữa, những mại cờ óng ánh sọc kẻ mấy màu, thì phải có con sâu râm bụt buộc vào sợi chỉ làm mồi câu, nhử mỏi tay, may ra chúng mới dại dột mà sa bẫy. Tuổi thơ với chừng ấy thứ đã đủ để lên sắc lên màu sinh động đẹp tươi trên những dòng sông. Thêm những buổi tắm trâu, tập bơi cây chuối, chậu nhôm, mà dòng sông bỗng thành không gian diễn xướng ấu thơ đầy biến ảo, đan xen những khoảng mộng mơ không giấu giếm của những đôi bạn mỗi chiều hái rau vớt bèo cũng rủ nhau, giặt áo cũng phải cùng nhau. Mà đâu bảy, tám năm sau, ai nấy lớn lên phổng phao những trang thanh niên tuấn tú, những cô gái e ấp xuân thì, qua đôi bờ cũng có thể nhìn thấy đôi gò má đang ửng đỏ. Là rất có thể kỷ niệm lại rủ rê nỗi niềm bị lôi kéo. Những ngày xưa hái rau vớt bèo vợt cá giặt áo đêm trăng, bỗng thành báu vật kỷ niệm của tuổi trẻ, để rồi giữa đôi bờ của dòng sông, giữa những nhịp cầu thân ái hay dưới gốc đa làng cổ tích, những trai gái dưới trăng vân vi hồi tưởng, mà rồi nên đôi nên lứa, nên vợ nên chồng...
Chẳng hiểu sao tôi luôn chạnh nhớ những dòng sông như thế, những con người, những câu chuyện đồng quê thân thương đến thế. Dù làng bây giờ đã khác, và dòng sông cũng đã rất khác. Dòng sông vẫn còn đó, nhưng đã bị thu hẹp lại để mở con đường rộng lớn đổ bê tông như phố ngoài kia. Nước sông không còn trong vắt như xưa soi bóng tóc tiên là lụa. Sông hầu như không còn cá, không bèo hoa và cũng thưa vắng lắm những tiếng gọi, tiếng cười.
Nhưng tôi thì chẳng thể quên đi, những dòng sông dẫu tên chưa được đặt, đã ân cần một cuộc đời bất tận ôm ấp xóm làng, đã tắm gội biết bao thế hệ, làm dịu đi bao khó nhọc, nâng niu lan tỏa bao yêu thương, khỏa trôi hết cả những đắng đót ngậm ngùi của biết bao con người là bấy nhiêu số phận. Những dòng sông đã chảy qua tuổi thơ đến tuổi trẻ chúng tôi, sóng sánh trăng sao những câu chuyện đôi bờ, để nuôi nấng những khát vọng, chắp cánh những ước mơ chúng tôi từ thơ bé mà lớn lên thành tương lai.
Dẫu tương lai của làng bây giờ khác lắm so với những gì tuổi thơ chúng tôi có thể mường tượng. Nhà máy, công xưởng vào tận rìa làng, cả cánh đồng thương nhớ nơi dòng sông tiếp nối chảy qua, cũng không còn nhìn đâu thấy một thửa ruộng nữa. Vườn nhà tôi cũng chỉ còn cách bờ tường khu công nghiệp bằng với khoảng cách đôi bờ của dòng sông. Mọi thiết bị điện máy đã có mặt trong từng gia đình, nghèo nhất làng như nhà tôi cũng chẳng còn thiếu gì nữa. Nước máy đã về làng thay thế việc dùng nước của những dòng sông. Liệu bọn trẻ con sẽ thiệt thòi hơn chúng tôi, khi không được ra sông vớt cá, tắm trâu, hay chúng sướng hơn chúng tôi, được xem ti vi thỏa thích, lại có bao nhiêu đồ chơi đẹp như trẻ con thành phố?
Tôi không hiểu mình có mơ mộng quá không, đáng ra phải mừng vì bây giờ làng nhiều nhà cao tầng, ô tô riêng của những đứa con xa nhà, mỗi cuối tuần lại đậu dọc bờ sông. Đành rằng cuộc sống có khép kín lại bởi tường bao xây cho sạch xóm đẹp làng, cũng là một nét văn minh của đô thị hóa đấy chứ. Mẹ tôi bảo rằng, quê mình giờ giàu rồi, người đô thị, người công ty họ về, có cả người nước ngoài nữa đấy. Tôi bảo với mẹ, tôi cũng vui, chỉ không thích lắm những cánh cổng sắt sơn xanh, cứ chập tối là đã đóng im ỉm, chẳng còn thấy ai gọi tên cho nhau quả ổi ném qua sông. Mẹ tôi có vẻ an vui hơn, một bà già nhà quê cả đời nghèo khó, giờ có sổ tiết kiệm từ tiền bán ruộng để yên vui tuổi già. Nhưng mẹ cũng đã lúc nhớ lúc quên, mắt cũng rất kém. Tự nhiên một hôm lại bảo, này, mang bát ra sông rửa đi, rồi gọi sang bên kia mà xin quả chay về nấu canh chua nhé. Thì ra, trong sự lẫn lộn nhớ quên của tuổi già, ký ức của mẹ vẫn còn đó tiếng vọng dòng sông...
Thì hãy cứ để mẹ được trở về tươi nguyên như thế với dòng sông của mẹ. Những dòng sông đã lặng lẽ ngang dọc nối nhau, chảy quanh làng nối làng, chảy quanh làng ra đồng, nối bến bờ, làng mạc, xuôi dài ra sông Cái. Những dòng sông đã chở mang thơ bé chúng tôi xuôi nước ra đồng, để vơi bớt những nhọc nhằn của mẹ, của chị, của quê hương trên những đầm ấm ngọt ngào, cả những nắng mưa và héo úa, để chúng tôi bây giờ lớn lên, xa quê khắc khoải, vẫn thèm khát được “soi mình xuống nước dòng sông”...