Câu chuyện bản quyền trên các nền tảng xuyên biên giới

Minh Thư 31/07/2021 15:22

Từ ngày 15/9/2021, các nền tảng xã hội lớn xuyên biên giới như Facebook, Google sẽ phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ, sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ TT&TT.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Theo nội dung nghị định này, từ ngày 15/9, các nền tảng xuyên biên giới (như Facebook, Google, TikTok...) sẽ bị siết chặt, những quảng cáo quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 điều 8 Luật An ninh mạng, điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ.

Sau thời hạn trên, nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo này.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được quy định Luật Quảng cáo và cần thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT những nội dung sau: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam... 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Cơ quan tiếp nhận là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đơn vị này sẽ có trách nhiệm gửi giấy xác nhận trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo.

Ngoài ra, các nền tảng xuyên biên giới còn phải thực hiện quy định không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật. Thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ.

Báo cáo xu hướng marketing số Việt Nam năm 2021 cho thấy, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt 820 triệu USD. Dự báo trong năm 2021, mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD. Hiện nay có đến 80% “miếng bánh” doanh thu rơi vào các nền tảng xuyên biên giới như: Google, Facebook..

Đây là "miếng bánh" béo bở nhưng lại chưa thực sự được quan tâm đúng mực về vấn đề bản quyền và bảo vệ người dùng khỏi tin độc hại, tin chống phá, sai sự thật. Trên thực tế, các nội dung vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại tràn lan trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube hay Tiktok,...

Mặc dù các nền tảng xuyên biên giới cũng có cơ chế bảo vệ bản quyền bằng Content ID. Các video được đăng tải lên những hệ thống này sẽ được gắn mã xác minh quyền sở hữu. Dù vậy, nhiều nội dung chưa được chủ sở hữu thực sự đăng tải lên mạng xã hội thì đã bị "ăn cắp" trước.

Không ít cá nhân, tổ chức đã trục lợi được rất nhiều tiền từ việc lợi dụng quy trình kiểm soát bản quyền lỏng lẻo của các hệ thống này.

Nghiêm trọng hơn, các nền tảng xuyên biên giới đang "xem nhẹ" việc đặt quảng cáo trên các nội dung vi phạm, trong số đó có những nội dung tuyên truyền chống phá hay tin giả.

"Các sản phẩm quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam, gắn trên các video có nội dung vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước như trên Youtube. Còn trên Facebook, các sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung game cờ bạc hay các nội dung sai sự thật. Cơ quan chức năng yêu cầu người quảng cáo, thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm không hợp tác với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo đang vi phạm pháp luật tại Việt Nam" - bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết.

Đáng nói, vi phạm bản quyền không còn là câu chuyện manh mún, nhỏ lẻ mà đã hiện tại không ít đối tượng đã lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của các nền tảng xuyên biên giới để thực hiện một cách có hệ thống, có tổ chức nhằm mục đích trục lợi.

Vì lẽ đó, các Bộ ngành có liên quan cần kiểm soát, siết chặt quản lý những nền tảng này trong thời gian tới để giảm thiểu đáng kể vấn nạn vi phạm bản quyền và việc tuyên truyền chống phá hay các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Minh Thư