Nối vòng tay yêu thương
Những “chuyến xe đi ngược”, chở những yêu thương, chở tình cảm của đồng bào, dù giản dị là những bắp ngô, quả bí, củ khoai… đến những vùng đang gặp khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là những khu cách ly.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn thường là điểm đến của những hoạt động thiện nguyện. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đang có những “chuyến xe đi ngược”, chở những yêu thương, chở tình cảm của đồng bào, dù giản dị là những bắp ngô, quả bí, củ khoai… đến những vùng đang gặp khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là những khu cách ly. Đồng bào khó khăn, nhưng vẫn sẻ chia, khiến mỗi món quà nhỏ ấy, làm sáng lên nghĩa đồng bào trong hoạn nạn.
Những chiếc giường ấm áp
Dịch bệnh Covid-19 đã “ghé thăm” huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Ngay lập tức, những khu cách ly được dựng lên dành cho những đối tượng F1. Cứ mỗi F0, lại có thêm hàng chục đối tượng F1 được chuyển về. Hớn Quản là huyện kinh tế khó khăn.
Những khu cách ly gặp khó khăn nhiều bề về cơ sở vật chất. Biết được thông tin ấy, đồng bào dân tộc X’tiêng (ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình) bảo nhau vót tre, cắt gỗ đóng giường tặng cho khu cách ly của huyện.
Đồng bào không có điều kiện kinh tế, nhưng không thiếu tấm lòng. Những vật liệu đơn giản được già làng, Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên vận động, tập hợp lại. Thế rồi, không phân biệt trẻ già trai gái, mỗi người chia nhau một phần việc. Đàn ông khỏe mạnh đi xẻ gỗ. Phụ nữ, người già thì cắt tre, vót làm thang giường. Mỗi chiếc giường có kích thước dài 1,8 m, rộng 1,2 m nhanh chóng hình thành. Chỉ trong mấy ngày, 20 chiếc giường đã hình thành từ tấm lòng của bà con dân tộc X’tiêng.
Già làng ấp Sóc Răng, ông Điểu Phụng chia sẻ: “Đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng giàu tình cảm. Khi chúng tôi đưa ra kế hoạch làm giường gửi tặng khu cách ly, rất nhiều người nhiệt tình hưởng ứng và cùng tham gia làm. Trong khi làm giường, chúng tôi sắp xếp chia thành nhiều nhóm nhỏ để thực hiện đúng khoảng cách không tập trung đông người, phòng ngừa dịch bệnh”.
20 chiếc giường được trao đi đến khu cách ly y tế của huyện Hớn Quản. Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng những người cách ly cảm thấy ấm áp. Không chỉ có thế, những người trong khu cách ly còn được hỗ trợ suất ăn miễn phí. Người dân trên địa bàn hỗ trợ từ gạo, mắm, muối đến thịt heo, gà, vịt... để nhà bếp chế biến các món ăn. Chính quyền, đoàn thể huyện Hớn Quản thấy tự hào vì sự sẻ chia của đồng bào.
Học tập cách làm của Sóc Răng, bà con dân tộc thiểu số nhiều xã khác cũng tình nguyện làm tặng thêm cho khu cách ly hàng chục chiếc giường góp phần không nhỏ trong chiến dịch dập dịch trên địa bàn Bình Phước.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở TP HCM, chị em phụ nữ ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) cũng đã tự nguyện ủng hộ rau củ quả nhằm góp phần giúp người dân nơi tâm dịch vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ cho biết: Thời gian qua, rất nhiều cá nhân, tập thể đã tích cực ủng hộ và kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM. Riêng chị em phụ nữ chủ yếu ủng hộ rau củ quả và hàng khô, tập trung ở xã Cư An, Tân An, Phú An.
Vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội LHPN tỉnh, chúng tôi đã huy động được hơn 2,5 tấn nhu yếu phẩm gồm: bí xanh, cà, bí đỏ, chuối, khổ qua, ớt, dưa leo, bầu, trứng gà... Tất cả đều được vận chuyển về Hội LHPN tỉnh để ủng hộ người dân nơi tâm dịch TP HCM.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ thêm 1,2 tạ rau củ quả cho khu cách ly tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ.
Củ khoai, quả bí yêu thương
Đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở miền Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung - Tây Nguyên đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng bào cư trú ở những địa bàn có địa hình đồi núi, giao thông trở ngại, diện tích canh tác hạn hẹp. Dù có nhiều đổi mới, cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều vùng vẫn thuộc diện 135, phải nhận trợ cấp của Chính phủ. Bởi thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường là “điểm đến” của những chuyến xe thiện nguyện.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc 16+ của Chính phủ, cuộc sống người dân tại vùng thực hiện giãn cách bị đảo lộn. Thương mại không bảo đảm lưu thông khiến cung ứng lương thực, thực phẩm, nhất là rau củ gặp nhiều vướng mắc.
Những người lao động tự do, người nghèo càng gặp nhiều khó khăn hơn, ngay cả ở những đô thị lớn hàng đầu đất nước như TP HCM. Trong lúc này, ta lại chứng kiến những chuyến xe thiện nguyện từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số “đi ngược” về thành phố, nhằm san sẻ những khó khăn.
Sôi động nhất trong phong trào đồng bào dân tộc thiểu số quyên góp ủng hộ các tỉnh đồng bằng Nam Bộ là khu vực Tây Nguyên. Đó là câu chuyện ở Kon Tum, nơi Hội Phụ nữ tỉnh triển khai chương trình “Phụ nữ Kon Tum đồng hành cùng phụ nữ TP HCM vượt qua đại dịch Covid-19”. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi phát động, chương trình đã quyên góp được 50 tấn rau củ quả các loại, chưa kể tiền mặt.
Trong đó, có rất nhiều món quà từ phụ nữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum như: Gia Rai, Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Măm… Có những chị em phụ nữ đi cả quãng đường dài đem theo buồng chuối mới chặt từ vườn đồi của gia đình để ủng hộ. Cùng với phong trào “Phụ nữ Kon Tum đồng hành cùng phụ nữ TP HCM vượt qua đại dịch Covid-19”, tỉnh Đoàn Kon Tum cũng phát động chương trình “San sẻ yêu thương - cùng TP HCM vượt qua đại dịch. Không chỉ thanh niên, ngay cả những em nhỏ cũng vào rừng hái măng, trảy bí để làm quà.
Trong đó, thanh niên huyện Tu Mơ Rông là những người hăng hái tham gia nhất. Anh A Trung, Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông cho biết, trong đợt đầu tiên phát động vào 21/7, chỉ trong 2 ngày, huyện Đoàn đã tiếp nhận được hơn một tấn nông sản. Dù số lượng hàng hóa không lớn, nhưng đây là tấm lòng chân tình của người dân Tu Mơ Rông. Những sản phẩm phổ biết nhất được quyên góp là măng rừng, bí ngô, và các loại củ quả…
Các tỉnh như Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk… đều có phong trào quyên góp gửi rau củ, lương thực về ủng hộ nhân dân TP HCM, Đồng Nai… để khắc phục khó khăn và đồng bào các dân tộc thiểu số là những người nhiệt tình tham gia nhất.
Bà Phúc Bình Niê Kđăm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, đã có rất nhiều mạnh thường quân, ủng hộ người dân vùng dịch, trong đó, chủ yếu là rau củ quả. Sau khi giúp đỡ tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh phía Nam, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk tiếp tục mở rộng công tác vận chuyển hỗ trợ rau củ quả đến nhân dân TP HCM, nhất là 3 bệnh viện dã chiến.
Không chỉ khu vực Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… và cả đồng bào dân tộc Hà Giang cũng có nhiều hoạt động nghĩa tình hướng về đồng bào miền Nam trong cơn hoạn nạn, bằng những hoạt động thiết thực. Những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp đó làm ánh lên tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của dân tộc ta.
Những chuyến xe thiện nguyện “đi ngược” về miền xuôi khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy xúc động, là những hình ảnh đong đầy nghĩa đồng bào để cùng nhau đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh. Với lòng quyết tâm đó, dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua đại dịch một cách thần kỳ.