Gỡ khó cho hàng thiết yếu

Minh Phương 01/08/2021 06:06

Việc áp dụng các chính sách, quy định tại các địa phương khác nhau, thiếu sự đồng bộ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, đặc biệt là quy định về “hàng thiết yếu” thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.  

Khốn khổ vì quy định

Một tuần qua thực hiện Chỉ thị 17 tại TP Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vận tải đã gặp không ít trở ngại vì quy định “hàng hóa thiết yếu” được đưa ra trong Chỉ thị này. Theo đó, Chỉ thị đưa ra quy định các DN, người dân chỉ được ra đường lưu thông khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Điều đó đã khiến không ít DN, người dân “dở khóc dở mếu” vì không thể phân định rõ đâu là hàng thiết yếu, đâu là hàng không thiết yếu. Hoặc giữa các địa phương lại có những quy định khác nhau về hàng thiết yếu khiến DN sản xuất ở giữa bị... mắc kẹt.

Như trường hợp một người dân bị cơ quan chức năng bắt phạt vì đi ra đường mua bánh mì, vì cho rằng “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”. Và phần lớn dư luận đã phản đối việc cơ quan chức năng xử lý sai khi không coi bánh mì là thực phẩm thiết yếu.

Đó chỉ là một ví dụ trong nhiều trường hợp người dân “không biết đường nào mà lần” khi nhà quản lý không có quy định một cách rõ ràng về khái niệm “hàng thiết yếu”.

Thời gian qua, nhiều DN sản xuất cũng đã gặp không ít khó khăn bởi quy định này của Chỉ thị 17. Theo chia sẻ của các Hiệp hội ngành hàng công nghiệp, chính quy định “hàng thiết yếu” đang trở thành rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh của không ít DN.

Đại diện của ngành hàng đồ uống cho hay, một trong những vấn đề nổi cộm đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hiện nay chính là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Chẳng hạn, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Hay mỗi địa phương lại có quy định khác nhau về “hàng thiết yếu” cũng làm không ít DN khó xoay sở. Chẳng hạn, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở địa phương này, nhưng lại không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở địa phương khác, thành ra các DN sữa không thể giao hàng đến các đại lý ở các địa phương khác nhau.

Và trong khi các cơ quan quản lý đang loay hoay với khái niệm "thiết yếu" thì tại tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra thực trạng, người nông dân phải đổ sữa đi vì ở địa phương này sữa không được coi là hàng hiết yếu, không thể tiêu thụ được. Như vậy, người dân thì phải đổ bỏ sữa, DN kinh doanh sữa đối diện với thua lỗ.

Hay như trường hợp của một số DN chuyên cung cấp giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, bột giặt... tại TP HCM. Do không xác định những mặt hàng này là “hàng thiết yếu” theo quy định của Chỉ thị 16 nên thời gian qua, lực lượng chức năng tại TP HCM đã ngăn chặn xe chở các mặt hàng này, không cho lưu thông.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Công ty CP Diana Unicharm cho biết, các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của DN đã không thể đưa các sản phẩm như băng vệ sinh, tã, bỉm... đến các đại lý, điểm bán lẻ chỉ vì lực lượng chức năng coi đó là các mặt hàng “không thiết yếu” và không cho phép lưu thông.

Đại diện Diana Unicharm cho biết, nếu tiếp tục cấm lưu thông các sản phẩm này, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi nguồn cung sẽ bị thiếu hụt, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn vệ sinh của người dân.

Tránh tình trạng mỗi nơi một cách hiểu

Quả thực, chỉ trong vòng khoảng hai tuần các địa phương phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và TP Hà Nội thực thi Chỉ thị 17 theo tinh thần của Chỉ thị 16 của Chính phủ đã nảy sinh rất nhiều chuyện “éo le” quanh khái niệm “hàng thiết yếu”.

Vấn đề đáng quan ngại hơn, sự bất nhất trong quy định này giữa các địa phương đã và đang đẩy nhiều DN vào tình cảnh khó khăn, khiến các DN đã và đang lao đao vì dịch bệnh nay lại thêm nguy cơ không tiêu thụ được hàng hóa chỉ vì quy định này.

Theo chia sẻ của một DN ngành cà phê, loại nông sản này không được coi là hàng thiết yếu trong tiêu dùng, nhưng đối với các nhà sản xuất, nếu không thể tiêu thụ được cà phê thì họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vậy, đại diện DN này cho rằng, rất cần có đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ mà còn phải chú trọng đến cả khối sản xuất.

“Người tiêu dùng không uống cà phê thì không sao nhưng người sản xuất cà phê sẽ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, DN cà phê này chia sẻ.

Hàng rau củ quả.

Trước hàng loạt bất cập liên quan đến khái niệm “hàng thiết yếu”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vừa gấp rút ký văn bản khẩn đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê Danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông.

Theo ông Hải, việc này nhằm tránh tình trạng mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị 16.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương nêu rõ, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội.

Bởi vậy, rất cần thiết đưa ra danh mục hàng hóa trong danh sách “cấm lưu thông” để các cơ sở kinh doanh, DN có thể tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông (đây là danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật) từ đó dễ dàng hoạt động. Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Và trong thời gian chờ đợi đề xuất được thông qua, cũng trong ngày 27/7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã gửi công văn tới Sở Công thương các tỉnh, thành phố thông tin cụ thể về danh mục 4 nhóm hàng hóa thiết yếu để các địa phương tham mưu cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nhiều địa phương ngay lập tức cũng đã có những động thái trong việc đưa ra các quy định cụ thể về danh mục hàng thiết yếu với mục đích giúp cho hoạt động của các DN sản xuất được trôi chảy hơn, lưu thông hàng hóa được thông suốt hơn giảm thiểu các rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đơn cử như trường hợp sản phẩm giấy vệ sinh, bỉm, tã... bị cấm lưu thông tại TP HCM, Sở Công thương TP HCM cho biết, cũng đã vào cuộc để thống nhất các đơn vị linh động giải quyết cho hàng hóa lưu thông, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cần có những quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao động thái này của nhà quản lý. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng cần đặc biệt quan tâm chính là lực lượng lao động trong các ngành vận tải, logistics.

Thời gian qua, các địa phương chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của họ trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, logistics cảng biển…) đóng vai trò hết sức quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, từ đó có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.

Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh chính là đội ngũ lao động, tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa, chứ không phải là nhắm vào việc quy định “hàng hóa thiết yếu” để hạn chế lưu thông hàng hóa.

“Trong trường hợp đội ngũ lao động trong các ngành vận tải - đặc biệt là vận tải liên tỉnh được ưu tiên tiêm vaccine tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch, việc kiểm soát dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa sẽ được thuận lợi hóa hơn rất nhiều và sẽ không cần thiết phải có những quy định về hạn chế lưu thông hàng hóa và “hàng hóa thiết yếu” có thể lưu thông như hiện nay”- một chuyên gia nhấn mạnh.

Đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Minh Phương