'Đầu trần đi giữa nắng nhân gian'

An Vũ 03/08/2021 14:00

“Loạn bút hành” (NXB Hội Nhà văn) gồm những bài thơ mà nhà báo Nguyễn Tiến Thanh viết rải rác trong 30 năm, còn tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” (NXB Văn học) lại tập hợp những bài từ sổ tay lưu giữ của bạn bè mà anh viết từ thời sinh viên. Không hiểu sao, vào đúng thời gian bùng dịch đợt thứ tư, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh lại ra mắt cùng lúc hai tập thơ, chưa kể tới tập tiểu luận “Thời của tạp chí” (NXB Văn học) cũng được xuất bản.

Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Tiến Thanh.

Vốn quen với hình ảnh một nhà báo năng động, thích ứng nhanh với những yêu cầu thay đổi trong nghiệp vụ báo chí, đang giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí in Đời sống và Pháp luật; Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật, cùng các chuyên trang khác, nên khi anh ra mắt hai tập thơ, nhiều đồng nghiệp ngỡ ngàng để rồi hân hoan đón nhận. Khi biết, Nguyễn Tiến Thanh từng là cựu sinh viên khoa Văn (Trường ĐH Tổng hợp), thì thấy cũng là chuyện đương nhiên. Bởi, ai đã từng sống trong không khí văn chương thường trực của Văn khoa, thì việc làm thơ, hay viết văn, nhẹ nhàng như hơi thở, như lúc đói cần ăn, khi mệt cần nghỉ.

Nguyễn Tiến Thanh viết những bài thơ đầu tiên năm 17 tuổi, khi vào học khoa Văn - ĐH Tổng hợp.

“Ở đó, xung quanh tôi, là thơ và người thơ. Trong “vùng lá me bay” này mà không làm thơ, mộng tưởng về thơ thì giống như người hành tinh khác”, Nguyễn Tiến Thanh nhớ lại. “Những buổi đọc thơ, nói chuyện thơ, đàm đạo thơ, trà lá thơ, rượu thơ, nhiều hơn giờ lên lớp. Nói không ngoa, ở đây thơ chính là tín ngưỡng. Không gian thơ mở ra bát ngát từ quán trà trong ký túc xá, hành lang giảng đường, những bức tường thư viện đến Hội trường Mễ Trì của ĐH Tổng hợp, Hội trường ĐH Bách Khoa, Sư phạm, Kinh tế, Xây dựng, Kiến trúc, Sân khấu trung tâm phương pháp câu lạc bộ ở Bờ Hồ, Cung Văn hoá Việt Xô, Nhà hát Lớn… rồi lan đến Hải Phòng, Vinh. Về cá nhân, khi đó tôi làm thơ vì mắc bệnh “đau răng trong tim”- theo cách nói của Victor Hugo”.

Đôi khi, anh vẫn còn nằm mơ về thời đi học ở khoa Văn: “Rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ làm mỗi... thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế sự. Mà thế sự thì nhiêu khê và mông lung lắm. “Thế sự du du nại lão hà” (Đặng Dung)…”

Còn về việc thực sự khi nào viết những câu gọi là thơ đầu đời của Nguyễn Tiến Thanh: “Nếu có thể coi những lời ngốc nghếch viết trên giấy kẻ ô-li của cậu học sinh lớp 1 gửi bạn gái lớp phó kiêm quản ca xinh đẹp là thơ thì tôi tự nhận mình bắt đầu làm thơ năm 7 tuổi”.

Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, với những ký ức, anh thường mang theo. Với tuổi thơ cũng thế, anh không đi qua, mà nó vẫn đi bên anh tới bây giờ: “Đến mức ngoài 50 tuổi vẫn thường tự hỏi, tôi là một gã từng trải bồng bột hay là một gã bồng bột từng trải đây? Có lẽ vì thế nó đặc biệt”.

Khi thơ bé, anh đến trường một buổi, hễ về nhà là được chơi, nhất là ba tháng nghỉ hè: “Sân tập thể là một vườn địa đàng và trẻ con trong khu tập thể là những Adam, Eva hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ có tem phiếu nhưng chưa có ... internet, có thư viện miễn phí nhưng vô tuyến truyền hình thì phải đi xem nhờ, có những “mùa bi”, “mùa quay”, “mùa khăng” nhưng chưa có games, có sách giáo khoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được nhà trường cho mượn miễn phí nhưng chưa có “học thêm”.

Bố của Nguyễn Tiến Thanh làm xuất bản. Ông quý sách và trọng chữ nên hướng anh đọc sách: “Đến năm 20 tuổi, tôi đọc được đoạn này của F.Niezscher: “Tôi đã trông thấy tận mắt: những kẻ có những bản chất thông minh thiên bẩm, rộng lòng, tự do, khoảng ba mươi tuổi mà đời đã tan hoang vì đọc sách - họ chỉ là những cây diêm quẹt mà mình cần phải đánh lửa thì lửa mới toé ra được - “những tư tưởng” đấy mà”. Sợ đời tan hoang, nên tôi cãi lời phụ huynh, bớt đọc sách đi và tôi biết đến thế giới bên ngoài nhiều hơn”.

Suốt 5 năm đại học, anh không đọc thêm được gì ngoài thơ, nhưng rồi vẫn được giữ lại trường làm giảng viên. Một nữ sinh viên nửa đồng môn nửa học trò trước khi chính thức về… ở cùng nhà với anh bảo: “Người khác ở lại trường làm thầy, anh ở lại trường khó có thể thành… sư”. Vậy là Nguyễn Tiến Thanh nghỉ dạy học, đi làm báo. Cũng vì lẽ ấy, anh trở thành “một gã nửa văn nửa báo - đáo qua một chút sư” như anh tự hài hước về mình.

3 tập sách mới của Nguyễn Tiến Thanh.

Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ thêm: “Cách đây một tháng, con trai tôi cho tôi nghe rap của Đen Vâu. Ca từ đời thường “có ba cái cây trong một cái vườn” rồi “nhà em có chó anh không dám vào” ngân lên trong một giai điệu ám ảnh đến mức tôi phải nghe lại nó đến nhiều lần, cảm nhận triết lý nhân sinh trong đó và tự dưng trở nên yêu dòng nhạc mà trước đây tôi nghĩ là chỉ dành cho lũ “trẩu tre”, chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để nghe”.

Nguyễn Tiến Thanh nói, kể lại những câu chuyện trên, chỉ để khẳng định: Gia đình ảnh hưởng đối với anh lớn đến mức, vì thế mà anh trở thành người của hôm nay.

Nếu nói Nguyễn Tiến Thanh dành cuộc đời mình cho thơ ca, thì không đúng, bởi anh đã chọn báo làm nghề nghiệp. Nhưng rồi, anh vẫn bị thơ ca quyến rũ bởi những niềm vui mang lại, và hẳn nhiên không ám ảnh trong nó, anh cũng khó bị thơ ca mang lại hệ lụy: “Thơ đến với tôi thường là vụt hiện. Ban đầu là một vài câu, hoặc là tứ của bài sẽ loé lên bất chợt. Rồi sau đó giống như một cánh đồng trong buổi bình minh, tâm trí được ánh sáng của liên tưởng, của suy tư, của cảm xúc chiếu rọi và lan tràn, mọc lên ngôn ngữ , hình tượng và nhịp điệu. Đó là những khoảnh khắc thăng hoa của sáng tạo, giống như một giác ngộ sau kiếm tìm- một mật ước về sự đồng hiện của rung động mờ ảo và tư duy minh giác trên cùng một văn bản vẫn thường được gọi là thơ”.

Khi thấy mình bắt đầu quên những bài thơ từng sáng tác, nói cách khác là khi những bài thơ của anh bắt đầu ra khỏi trí nhớ, cũng là lúc Nguyễn Tiến Thanh quyết định in lại những bài thơ ấy.

Khi hai tập thơ ra mắt cùng lúc, nhận được nhiều chia sẻ đồng cảm từ đồng nghiệp, cũng như các nhà phê bình, nhà thơ, Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, anh cảm thấy… vừa vui, vừa “hú vía”. Vui vì hai tập thơ được đón nhận, hú vía vì suýt nữa đã định không in vì lười và ngại: “Nếu không in thì quả thật sẽ không được đón nhận, trải nghiệm niềm vui ra thơ, niềm vui thơ được độc giả và đồng nghiệp đón nhận, chia sẻ”.

Với Nguyễn Tiến Thanh, văn chương là một duyên nghiệp, còn báo chí là một công việc. Cả hai đều không phải thú vui. Thú vui của anh là đọc sách và gặp gỡ bạn bè, và đương nhiên, thú vui thứ hai gồm khá nhiều “gia vị” như trà, cà phê và vài thứ khác nữa…

Giờ đây, thời gian ban ngày của anh chỉ đủ để… ký. Trước là ký chứng từ, hợp đồng, văn bản của một cơ quan báo chí với hơn 300 nhân sự, giờ thêm ký… tặng thơ cho bạn đọc. Ban đêm, Nguyễn Tiến Thanh tiếp tục đọc. Trước là đọc bài vở của 9 lĩnh vực mà anh cho là nhạy cảm trước khi xuất bản trên một tạp chí giấy ra 6 kỳ/ tuần, một tạp chí điện tử và 5 chuyên trang online, giờ thêm đọc… bài viết về thơ của anh trên báo chí và mạng xã hội.

Về dự định với thơ ca, với Nguyễn Tiến Thanh, mọi thứ đều phụ thuộc vào hoàn cảnh. Còn lúc này vẫn: “Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian”.

Thơ đến với tôi thường là vụt hiện. Ban đầu là một vài câu, hoặc là tứ của bài sẽ loé lên bất chợt. Rồi sau đó giống như một cánh đồng trong buổi bình minh, tâm trí được ánh sáng của liên tưởng, của suy tư, của cảm xúc chiếu rọi và lan tràn, mọc lên ngôn ngữ , hình tượng và nhịp điệu. Đó là những khoảnh khắc thăng hoa của sáng tạo, giống như một giác ngộ sau kiếm tìm- một mật ước về sự đồng hiện của rung động mờ ảo và tư duy minh giác trên cùng một văn bản vẫn thường được gọi là thơ.

An Vũ