Độc đáo nghề huấn luyện chim bồ câu
Trò chơi chim bồ câu xuất hiện trên mảnh đất Kinh Bắc từ thời điểm nào không ai nắm rõ. Nhiều người nói rằng, trò này đã có từ hàng trăm năm nay.
Đều đặn mỗi năm 2 lần, người dân một số địa phương như Yên Phong, Thuận Thành... tỉnh Bắc Ninh lại đem những chú chim bồ câu đen ra đồng đi thi.
Trò chơi chim bồ câu xuất hiện trên mảnh đất Kinh Bắc từ thời điểm nào không ai nắm rõ. Nhiều người nói rằng, nó đã có từ hàng trăm năm nay.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, một người dân có thâm niên chơi hàng chục năm ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khoe: Việc người dân chỉ chơi chim bồ câu đen liên quan đến luật thi chim. Theo thông lệ, trong lễ thi chim, các đội sẽ thả một đàn 10 con chim bồ câu lên trời. Lúc này sẽ có một ban giám khảo gồm 10 người đứng quan sát.
Tiêu chí một đàn chim bay đẹp là chúng phải bay lên theo phương thẳng đứng, tròn đàn. Bằng mắt thường có thể quan sát đàn bay cao tới mức 10 con chụm lại bằng bàn tay. Nếu đàn bay quá cao hoặc quá thấp, đàn bay xiên thì bị loại. Vì lý do phải quan sát chim bay cao, bay thấp nên người dân phải dùng chim bồ câu đen mới dễ quan sát. Nếu dùng chim bồ câu trắng thì ban giám khảo sẽ mất dấu khi đàn chim bay lên cao.
Theo ông Đoàn, sở dĩ người dân chỉ chơi chim bồ câu vì loài này dễ huấn luyện. Sau khi chim nở, sẽ phải đợi đến khi nào chim mọc lông ống, sau đó phải nhổ hết những chiếc lông ống mọc trước để ướm làm sao cho lông chim mọc đều, mượt là được.
Khi chim tập bay chuyền, người chơi sẽ phải đưa chim vào giai đoạn huấn luyện bằng cách thả những chú chim cho chúng tập bay. Ban đầu chim chỉ bay quanh nhà, sau đó, người chơi phải đem chim ra xa nhà thả. Công đoạn này nhằm tập để chim biết tìm đường về. Việc huấn luyện chim thi đấu có thể kéo dài 2 - 3 tháng.
Thời gian huấn luyện chim chỉ được thực hiện vào thời điểm trời trong xanh, khô ráo để tránh gây hại đến những chú chim đi thi đấu.
Trên địa bàn huyện Yên Phong, ông Đoàn được xếp vào hàng cao thủ chơi chim. Ông bắt đầu chơi chim từ khi mới 13 - 14 tuổi, lớn lên, ông tự huấn luyện chim và theo bố đi tham dự các cuộc thi trong làng, ngoài xã. Đến nay, ông Đoàn đã giành được nhiều giải nhất trong các cuộc thi chim được tổ chức trong tỉnh.
Nói về niềm đam mê chơi và huấn luyện chim bồ câu, cụ ông Phạm Văn Sáng (76 tuổi, sống ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) nhớ lại: “Từ hồi thơ ấu, chúng tôi đã lon ton theo chân những người hàng xóm mê chơi chim ra đồng xem huấn luyện. Một thời gian dài như thế, chúng tôi cũng “bén duyên” với trò chơi chim. Rồi cái trò tiêu khiển chốn thôn quê ấy ngấm dần vào huyết quản. Giờ vẫn chưa thôi”.
Cũng vì niềm đam mê trò chơi chim, nên hồi nhỏ, cụ Sáng thường tham gia những hội thi lớn được tổ chức trong và ngoài xã. Sau đó thì thi huyện, thi tỉnh... Thậm chí chẳng có cuộc thi nào thì các cụ trong làng, xã tự thi với nhau.
Còn theo ông Đoàn Văn Cát, một người chơi chim bồ câu khác ở huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: Một chú chim câu được xem là đủ điều kiện thi đấu là trên đôi cánh phải không có màu lông khác trộn lẫn.
Chẳng hạn chim câu đen thì chỉ có màu đen chứ không có chiếc lông trắng nào lẫn vào. Mỗi chiếc lông chim đều phải mượt và không bị rách... Phải làm như vậy vì nhiều lý do. Nếu trong đàn có lẫn lông trắng thì con đó dễ trở thành chim đầu đàn, những con khác sẽ bay theo nó. Còn nếu chú chim nào lông bị rách lâu thì sẽ ảnh hưởng đến việc bay lượn...
Theo ông Đoàn, chỉ tính riêng ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) ngoài ông ra còn có một số người chơi chim thuộc hàng “khét tiếng” như ông Mẫn Bá Tam, Mẫn Bá Sỹ, Mẫn Bá Hiền... Những người này có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi và huấn luyện chim bồ câu thi đấu lấy giải.
Đem chim xuống thủ đô thi, chim về trước chủ về sau
Để có được đàn chim đem đi thi đấu, người chơi chim phải rất kỳ công và mất thời gian. Như gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn nuôi 20 cặp chim câu giống. Mỗi lứa ông chọn ra 100 con chim câu đen và chia thành 5 đội, mỗi đội 10 con để huấn luyện từ nhỏ. Ông đoàn sẽ thả 5 đội chim để chúng tập bay với nhau, mỗi đội bay một khung giờ khác nhau để chúng không lẫn đàn.
Trong khoảng 2 - 3 tháng huấn luyện, ông Đoàn sẽ lọc ra những chú chim bay tốt nhất, những chú chim khác không đạt tiêu chuẩn bị loại khỏi đàn ông đem bán hoặc thịt. Với 100 chú chim huấn luyện, ông Đoàn chọn ra 10 con ưu tú nhất đem đi thi đấu. Trong cuộc thi, có hàng chục đội đến từ nhiều địa phương khác nhau, người chơi chỉ cần thả chim thi đấu, sau đó chim sẽ tự tìm đường bay về nhà.
Với hàng chục năm chơi chim, kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông Đoàn đó là dịp 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội). Ông cùng một số đội chơi ở Bắc Ninh đem chim bồ câu xuống Hà Nội trình diễn. Sau buổi lễ, ông về đến nhà thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy đàn chim đã tụ họp ngay ở sân nhà.
“Cái giống bồ câu này có khả năng nhớ đường cực tốt. Tôi có thể đem chúng đến địa điểm nào đó cách nhà hàng chục, thậm chí cả trăm cây số để thi đấu, sau đó chúng vẫn tìm về đến tận cửa nhà mình. Tôi để ý, mỗi đàn sau khi về đến đê sông Đuống chúng đều bay theo kiểu vòng tròn rồi mới về nhà. Không rõ đó có phải là cách nhận diện địa điểm của chúng hay không, nhưng nhiều đàn có hành vi như vậy”, ông Đoàn khoe.
Trong khi đó, theo cụ Sáng, để được đàn chim bồ câu tốt, có thể đem thi thố đây đó, người nuôi như ông đôi khi phải rất tỉ mẩn, kỳ công. Theo cụ Sáng, cường độ huấn luyện chim cũng được tăng cường cùng với sự phát triển của đàn chim câu.
Những tuần đầu, người chơi chỉ thả chim 1 lần/ngày. Khi chim cứng cáp, người chơi thả chim 2 lần/ ngày với khoảng cách là ngoài ngõ hoặc các vị trí khác cách nhà khoảng 1 - 2 km. Nếu địa điểm luyện chim cách nhà khoảng 3 - 5 km thì mỗi ngày chỉ thả 1 lần.
Tuy nhiên, không phải ngày nào người chơi cũng có thể luyện chim. Tùy vào thời tiết mỗi ngày mà có phương pháp luyện chim phù hợp. Chẳng hạn trời mưa thì không được phép thả chim, vì mưa sẽ làm hỏng lông chim. Nếu những ngày mưa thì chỉ được thả chim 1 lần. Còn những ngày trời trong xanh, nắng nhẹ, người chơi có thể thả chim 1 - 2 lần.
Còn cụ ông Nguyễn Huy Chính, một người chơi chim khác cùng sinh sống ở huyện Quế Võ tiết lộ: Theo kinh nghiệm của riêng cụ, thì việc luyện chim sẽ kéo dài khoảng 4 - 5 tháng trước khi đem đi thi đấu, những chú chim thi xong sẽ được chọn lựa làm giống...
“Cái trò huấn luyện chim câu là một thú vui, nó cũng giống như trò chọi gà, câu cá, miễn là người chơi có đủ đam mê và thời gian. Người chơi chim không giới hạn ở độ tuổi nào, miễn ai có đam mê thì tham gia. Nhưng ban giám khảo chấm thi thì dứt khoát phải là các bậc cao thủ trong việc chơi chim. Bởi chỉ những cao thủ này mới có đủ kinh nghiệm và uy tín để chấm thi một cách công bằng nhất”, cụ Chính cho hay.