Bản quyền trên nền tảng xuyên biên giới: Quy định đã rõ sao vẫn khó xử lý

Minh Thư 01/08/2021 19:10

Mặc dù đã có quy định cụ thể, rõ ràng tuy nhiên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn đối với các ngành chức năng khi xử lý tình trạng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên các nền tảng xuyên biên giới.

Ảnh minh họa

Vi phạm bản quyền - câu chuyện không mới

Báo cáo xu hướng marketing số Việt Nam năm 2021 cho thấy, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt 820 triệu USD. Dự báo trong năm 2021, mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD.

Hiện nay có đến 80% “miếng bánh” doanh thu rơi vào các nền tảng xuyên biên giới như: Google, Facebook..

Đây là "miếng bánh" béo bở nhưng lại chưa thực sự được quan tâm đúng mực về vấn đề trách nhiệm trong bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Không những vậy, một số nền tảng có dấu hiệu "tiếp tay" cho những vi phạm ngày một nở rộ.

Đơn cử như trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Một bài báo vừa được đăng tải trên các tờ báo chính thống của Việt Nam thì chỉ vài phút sau đã xuất hiện trên Facebook hay Google mà không để link hay nguồn gốc, tên tác giả.

Các sản phẩm báo chí cứ thế phát tán và lan đi một cách chóng mặt. Người dùng mạng xã hội cũng chỉ quan tâm nội dung thông tin mà không cần để ý về vấn đề bản quyền hay tác giả thực sự của các bài báo đó.

Facebook thì “làm ngơ” cho các fanpage/Facebook cá nhân chia sẻ nội dung báo chí vi phạm bản quyền.

Hay như trên YouTube, thay vì tự sáng tạo nội dung, nhiều kênh lấy ngay một bài báo đã được đăng tải công khai, sau đó "biến" thành dạng video, kèm theo những hình ảnh minh họa để trở thành "tác phẩm" của mình. Có kênh còn có MC dẫn chương trình nhưng nội dung lại là bản tin trên báo chí.

Mặc dù các nền tảng xuyên biên giới cũng có cơ chế bảo vệ bản quyền bằng Content ID. Các video được đăng tải lên những hệ thống này sẽ được gắn mã xác minh quyền sở hữu. Dù vậy, nhiều nội dung chưa được chủ sở hữu thực sự đăng tải lên mạng xã hội thì đã bị "ăn cắp" trước.

Đáng chú ý, nhiều kết quả tìm kiếm về nội dung xuất hiện đầu tiên trên các nền tảng xuyên biên giới lại là những trang tin không giấy phép, những site được "dựng" lên trái pháp luật. Các trang báo điện tử, tạp chí chứa nội dung gốc bị đẩy xuống phía sau. Nguyên nhân là vì mô hình kinh doanh của các nền tảng xuyên biên giới cho phép đơn vị trả tiền quảng cáo để có vị trí cao, khả năng tương tác với người dùng sẽ tốt hơn.

Vì những lẽ đó, các nhà sản xuất thực sự chỉ đành bất lực nhìn sản phẩm bị sao chép trắng trợn vì khiếu nại cũng không có kết quả.

Thời gian vừa qua, không chỉ lĩnh vực báo chí mà ngay cả vấn đề bản quyền của âm nhạc, văn học nghệ thuật… cũng bị vi phạm sở hữu trí tuệ nghiêm trọng.

Quy định đã có, vẫn khó xử lý

Ngoài vấn đề ý thức người dùng mạng xã hội, sự thiếu hợp tác để xử lý dứt điểm đến từ các nền tảng xuyên biên giới cũng là nguyên nhân nan giải khiến các đơn vị chức năng có thẩm quyền khó xử lý vấn đề vi phạm bản quyền.

Phía Bộ Thông tin và Truyền thông từng cho biết, thực tế việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Có một số trường hợp, các nền tảng xuyên biên giới này không chịu gỡ các bài viết có nội dung xấu, độc vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, câu chuyện chia sẻ lợi nhuận cho các nền tảng xuyên biên giới từ những nhà sản xuất nội dung khiến cho không ít nền tảng "mắt nhắm mắt mở" để nhiều bài viết, hình ảnh, video vi phạm pháp luật được phép quảng cáo, bật kiếm tiền.

Trước thực trạng này, Trung tâm bản quyền số, Hội truyền thông số Việt Nam đang tập trung vào hệ thống máy quét để bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng.

Với hai giải pháp công nghệ là: DDC VDRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí) và DDC Watcher (Hệ thống lắng nghe dò quét, phát hiện và cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử).

Phạm vi dò quét của hai công nghệ nói trên đang phủ khoảng 600 đầu báo, forum, blog, 90 triệu profile Facebook, 2 triệu page và 3 triệu group trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube.

Trong tương lai, phạm vi có thể sẽ mở rộng ra nhiều mạng xã hội khác như Lotus, Gapo.

Tuy vậy, trong trường hợp phát hiện vi phạm bản quyền nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới, phía cơ quan chức năng như Trung tâm bản quyền số cũng chỉ dừng lại ở những cảnh báo vi phạm chứ chưa có những giải pháp triệt để, mạnh mẽ hơn để xử lý tận gốc vi phạm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Theo nội dung nghị định này, từ ngày 15/9, các nền tảng xuyên biên giới (như Facebook, Google, TikTok...) sẽ bị siết chặt, những quảng cáo quy phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ.

Sau thời hạn trên, nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo này.

Minh Thư