Quảng Ninh: Vận hành cơ chế phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất
Ngày 2/8, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp chỉ đạo các biện pháp cấp bách mới để phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh trong nước ngày càng diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh phải kích hoạt cơ chế phòng, chống dịch ở mức cao nhất từ tỉnh tới tận thôn, khu.
Nhiều địa phương, người dân lơ là với dịch
Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ninh đã qua 37 ngày không phát hiện ca nhiễm cộng đồng. Nhằm bảo vệ thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua, Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch sát với diễn biến tình hình dịch, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá.
Hàng tuần, các đơn vị thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% số người lao động của đơn vị và xét nghiệm toàn bộ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ, hàng hóa của các đơn vị liên quan. Các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến đường biên giới trên đất liền, trên biển; thực hiện tiêm chủng an toàn 129.763 liều vaccine phòng Covid-19.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như hiện nay, Quảng Ninh chính thức bước vào giai đoạn chống dịch cam go hơn và phải vận hành cơ chế ở mức độ cao nhất từ tỉnh đến tận thôn, khu, bản, tổ theo tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi một tổ dân, gia đình là một pháo đài chống dịch”.
Ông Nguyễn Xuân Ký cũng chỉ rõ, thời gian qua, qua kiểm tra, giám sát, nhận định tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát cụ thể cần thiết ở địa bàn cấp huyện, cấp xã.
Người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số nơi chưa thực hiện triệt để phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", nhất là trong việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với tình huống nảy sinh, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu nhất…
Khẩn trương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục kiên quyết, kiên trì ngăn chặn triệt để các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn. Siết chặt quản lý chợ đầu mối, kể cả chợ dân sinh. Tạm dừng hoạt động du lịch ở một số địa điểm và một số dịch vụ không thiết yếu. Không tụ tập, tập trung đông người tại các nơi công cộng. Tạm dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động bán hàng vỉa hè, quán giải khát, hoạt động dịch vụ phòng kín.
Giảm hoạt động tập trung đông người tại cơ quan, công sở và các cơ sở y tế. Khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tăng cường hơn nữa tầm soát chủ động trong cộng đồng cho các công nhân làm việc tại các KCN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các lao động làm nghề trên biển.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về quản lý địa bàn của mình. Lực lượng Công an giữ vai trò tham mưu trực tiếp về quản lý dân cư, cư trú, các di biến động về dân cư để ngăn chặn những nguy cơ mầm bệnh xâm nhập. UBND các địa phương cũng phải chuẩn bị phương án chỉ đạo điều hành cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ứng với từng cấp độ dịch bệnh của tỉnh.
Ngoài việc chuẩn bị rõ các cơ chế vận hành các nhân lực, vật lực, các phương án thực hiện phải đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp với từng tình huống, số ca mắc, dự toán kinh phí phù hợp, tổ chức mua sắm trang thiết bị đảm bảo chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong..
Tăng cường năng lực xét nghiệm trên phạm vi toàn tỉnh, trước hết là ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và các đơn vị đang có năng lực xét nghiệm. Mục tiêu mỗi ngày, Quảng Ninh phải xét nghiệm được 10.000 mẫu đơn. Từ nguồn xã hội hóa, trong thời gian ngắn nhất trên địa bàn toàn tỉnh có 1 triệu test nhanh…