Trải nghiệm mới với nghệ thuật online
Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, mô hình chương trình nghệ thuật online, MV ca nhạc… đang tạo ra những trải nghiệm mới cho công chúng.
Vượt lên trong khó khăn
Tối ngày 1/8, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với 5 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật online với chủ đề “Cháy lên” với thông điệp “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”.
Đây cũng là chương trình khởi đầu cho chùm chương trình nghệ thuật online về việc tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật góp phần chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Các chương trình đều được thực hiện dưới hình thức livestream, các điểm cầu là các nhà hát, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật của Bộ VHTTDL cùng đồng hành thực hiện.
Tại chương trình “Cháy lên” với các tiết mục “tinh tuý” của các đơn vị dù không có sự tham gia hùng hậu của các nghệ sĩ hay các sân khấu hoành tráng, thậm chí âm thanh có đôi chút trục trặc nhưng sức hút thì không thua kém các hoạt động nghệ thuật biểu diễn trực tiếp có khán giả.
Theo số liệu thống kê từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, chỉ trong gần một tiếng đồng hồ diễn ra chương trình đã có gần 20 nghìn lượt khán giả vào thương thức chương trình. Chỉ riêng trên trang Facebook của NSƯT Xuân Bắc đã có hơn 13 nghìn lượt người xem và bình luận, gần 2 nghìn lượt chia sẻ.
Nhìn lại khởi đầu này, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là người “cầm trịch” của chương trình bày tỏ, chúng tôi lấy tên chương trình là “Cháy lên” mang ý nghĩa muốn gửi gắm ngọn lửa yêu nghề, nhiệt huyết của các nghệ sĩ, mong muốn mang tới những tiết mục thể hiện niềm tin chiến thắng, sự đoàn kết của toàn thể nhân dân chung sức cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đồng lòng phòng chống dịch Covid-19.
Trong thời gian qua hoạt động nghệ thuật biểu diễn hoàn toàn bị tê liệt, nghệ sĩ không được lên sân khấu, khao khát được làm nghề, được trở lại cuộc sống bình thường cháy bỏng đối với từng cá nhân nghệ sĩ.
Dịch giã đang bùng phát, Chính phủ đang chỉ đạo sát sao cả nước cùng đoàn kết chống dịch, người nghệ sĩ không thể đứng ngoài cuộc. Và vì vậy các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL sẽ phối hợp để xây dựng một chuỗi các chương trình nghệ thuật.
NSƯT Xuân Bắc cũng cho biết thêm, các tiết mục và nghệ sĩ tham gia ở từng chương trình được lựa chọn kĩ càng theo chủ đề hướng tới ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi những con người đang ở tuyến đầu chống dịch, ca ngợi những tấm gương người tốt, việc tốt... Dĩ nhiên, tham gia biểu diễn trên sân khấu sẽ không quá 2 người, nghệ sĩ sẽ phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch…
“Đây là chương trình đầu tiên được thực hiện, thời gian chuẩn bị không nhiều. Vì vậy, Ban tổ chức sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh và hoàn thiện chất lượng từ nội dung cho tới hình thức để nâng cao chất lượng cho các chương trình nghệ thuật tiếp theo”, NSƯT Xuân Bắc nói.
Nghệ thuật gắn kết cộng đồng
Với sự khởi đầu khá thành công của chương trình “Cháy lên”, có thể thấy các hoạt động nghệ thuật đang không đứng ngoài cuộc trong công tác phòng chống dịch. Trước đó, cũng bằng hình thức trực tuyến, “thực đơn” giải trí cho khán giả trong những ngày ở nhà chống dịch đã phong phú hơn.
Không chỉ có các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc trẻ với các MV cổ vũ chống dịch, nghệ sĩ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như chèo, cải lương… cũng đồng hành cùng khán giả với nhiều sản phẩm nghệ thuật mới.
Mới đây ca sĩ Đình Bảo (cựu thành viên nhóm AC&M) đã giới thiệu ca khúc “Sống như những tia nắng mặt trời” với sự tham gia thể hiện của hơn 40 nghệ sĩ trong nước và hải ngoại. Các nghệ sĩ tham gia dự án này có thể kể đến như ca sĩ Cẩm Vân, Hà Trần, Thanh Hà, Minh Tuyết, Uyên Linh, Hiền Thục, Ái Phương, Tóc Tiên, Orange, Quang Dũng, Quốc Thiên…
Ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ múa, các người mẫu, nhà thiết kế, các influencer và đặc biệt là sự hiện diện của hoa hậu H’Hen Niê, Khánh Vân gửi thông điệp yêu thương đến người dân TP Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Đình Bảo chia sẻ, tôi đã viết nên bài hát này từ những cảm xúc chân thành nhất của tôi dành cho TP Hồ Chí Minh và may mắn sao cảm xúc đó đã chạm được trái tim của rất nhiều anh chị em nghệ sĩ.
Đây hoàn toàn không phải là một dự án được tính trước mà nó được bắt đầu bằng một cảm xúc yêu thương, muốn san sẻ những nỗi khổ cực của người dân TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn được lan tỏa tình yêu thương và niềm hy vọng đến mỗi người dân TP Hồ Chí Minh, để sưởi ấm con tim mỗi người trong lúc họ đang thất vọng nhất.
Trước đó, 20 nghệ sĩ cải lương và chèo nổi tiếng của Việt Nam đã “hoà ca” tham gia thể hiện 20 MV cổ động tinh thần chống dịch Covid-19. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giới thiệu đến khán giả ca khúc “Sài Gòn yêu thương” được viết lời mới trên nền nhạc ca khúc “Tuổi hồng thơ ngây”; nhà thơ, tiến sĩ khoa học Ngọc Lê Ninh giới thiệu MV “Hành khúc Mặt trận Corona”; ca sĩ Lã Lâm Phong với MV “Đời cho đi còn mãi’’ do chính anh sáng tác nhằm tri ân những y bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19; ca sĩ Tuấn Hồ với ca khúc “Đồng lòng Việt Nam”…
Có thể nói thông qua âm nhạc, các nghệ sĩ đang tạo những cầu nối gắn kết mọi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài cùng chung tay vượt qua đại dịch. Đây cũng là động thái tích cực nhằm tạo cầu nối thiết thực đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân.
Ở đó, các nghệ sĩ không chỉ hát, chỉ diễn mà còn chia sẻ trao đổi những tâm tư, những quan điểm về chung tay phòng chống dịch cũng như làm nghề. Họ có thể biểu diễn tại phòng thu, tại nhà và dẫu ở khung cảnh nào thì vẫn tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch với một tinh thần “cách ly mà không cách lòng”.