Hà Nội vào giai đoạn then chốt dập dịch
Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mỗi ngày, có ngày lên tới hơn 100 ca/ngày. Theo các chuyên gia y tế, Hà Nội chính thức bước vào giai đoạn then chốt để ngăn chặn, dập dịch Covid-19.
Xuất hiện chùm ca bệnh có độ phủ rộng
Với việc ghi nhận chùm ca bệnh tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga, hôm 1/8, từ một ca bệnh tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ca F0 có liên quan đến nhiều địa điểm ở rải rác các quận, huyện. Bởi đây là công ty cung cấp thực phẩm cho một số siêu thị, cửa hàng tiện ích và một vài đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt là có cung cấp thực phẩm cho một số cửa hàng thuộc hệ thống Vinmart, VinMart+.
Ngay trong đêm 1/8, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa ngõ 651 Minh Khai – ngõ có trụ sở của Công ty Thanh Nga. Ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Khu vực bị phong tỏa tạm thời có khoảng 300 hộ với 1.000 nhân khẩu. Công ty cung ứng thực phẩm Thanh Nga, cơ sở chính tại 15/651 Minh Khai, Hai Bà Trưng và kho đông lạnh tại địa chỉ 82/651 Minh Khai, chuyên cung cấp thịt bò với tổng số nhân viên 43 người, là đơn vị có nhiều ca lây nhiễm nhất”.
Đánh giá về chùm ca bệnh này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội cho biết, chùm ca bệnh liên quan Công ty Thanh Nga khá phức tạp, “độ phủ khá rộng”. Dựa theo danh sách cung cấp thực phẩm của Thanh Nga, lực lượng chức năng sẽ cùng cửa hàng trích xuất camera để khoanh vùng, truy vết những người liên quan.
Khẩn trương khoanh vùng, truy vết
Ông Vương Quốc Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng thông tin: Đối với chùm ca bệnh tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga, lực lượng y tế cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường đã phối hợp cùng CDC Hà Nội triển khai truy vết.
Số lượng rất là đông, sơ bộ hiện nay cũng đã truy vết được toàn bộ các dịch tễ. Đồng thời triển khai việc thông báo đến các thành phần có liên quan để thực hiện việc khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp theo quy trình về xử lý dịch Covid-19.
Ông Tiến cho biết, hiện nay Công ty thực phẩm Thanh Nga đã được phong tỏa “cứng”, bên cạnh đó là phong tỏa tạm thời toàn khu vực. Số F0, F1 đã chuyển đi cách ly. Lực lượng y tế đã lấy mẫu những trường hợp liên quan và xét nghiệm nhanh cho khoảng gần 1000 người ở khu vực xung quanh, cũng như lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch tại khu vực công ty.
Phường Thanh Lương sẽ đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong khu vực phong tỏa. Về cơ bản nhân dân không hoang mang, điều kiện nhu yếu phẩm thiết yếu, các hoạt động vẫn ổn định trong khu vực phong tỏa.
“Chúng tôi xác định tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng sẽ là đầu mối để nắm bắt tinh thần hỗ trợ kịp thời cũng như báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của phường để xử lý những tình huống ngoài thẩm quyền. Đối với những trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao thì chúng tôi tiếp tục truy vết, sơ bộ vào khoảng 30 người. Đối với các địa bàn phường khác, chúng tôi chưa thống kê được vì đặc điểm người làm nhân viên của công ty có thể về gia đình hoặc đi giao hàng ở các nơi khác. Các địa phương khác hiện cũng đang thực hiện truy vết”, ông Tiến nói.
Liên quan đến chùm ca bệnh này, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+) cho biết, Công ty Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị/cửa hàng của VinCommerce tại Hà Nội. Ngay khi nhận được thông tin xác định các ca F0 liên quan đến nhà cung cấp, VinCommerce đã dừng nhận hàng từ đơn vị này.
“VinCommerce đã yêu cầu nhân viên toàn hệ thống tại khu vực Hà Nội tự khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc với các F theo thông báo của CDC được yêu cầu tự cách ly lập tức. Đến thời điểm hiện tại, xác định có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 của Công ty Thanh Nga và phối hợp các biện pháp phòng dịch phù hợp”, đại diện VinCommerce thông tin.
Tạm thời dừng hoạt động nhiều khu chợ
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã tiến hành phong tỏa, tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía Nam, chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), khu vực bán hải sản tại chợ Long Biên (quận Ba Đình) do liên quan các ca nhiễm Covid-19 là người bán hàng, lấy hàng tại các chợ.
Đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quyết định phong tỏa tạm thời chợ đầu mối Minh Khai được đưa ra trong đêm khi ngành y tế xác định một ca nghi nhiễm là hộ kinh doanh tại đây. Chợ đầu mối Minh Khai rộng 30.000 m2 với gần 1.000 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản, thực phẩm được vận chuyển đến đây. Việc tạm dừng hoạt động chợ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đặt ở mức cao nhất.
Đồng thời, lực lượng y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương tại những chợ trên để có thể khoanh vùng, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đối với hoạt động của các chợ khác trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã tiến hành phát thẻ đi chợ cho người dân, giám sát chặt vấn đề này để đảm bảo lượng người đến chợ, nâng cao công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sẵn sàng khu cách ly tại nội thành
Song song với việc “dốc toàn lực” để truy vết nhằm “bóc tách” các F0 trong cộng đồng và “khóa chặt” các chùm ca bệnh, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho các khu cách ly và xây dựng bệnh viện dã chiến tại nội thành.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn phường sẽ đưa vào hoạt động một khu cách ly tại khu đô thị Đền Lừ. Khu cách ly này sẽ trực tiếp do Bộ Tư lệnh Thủ đô phụ trách hoạt động, lực lượng chức năng phường sẽ phối kết hợp đảm bảo an ninh trật tự phía ngoài.
Đối với việc giữ an toàn, “chặn đứng” nguy cơ lây nhiễm dịch từ khu cách ly với khu đô thị xung quanh, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai nhận định, nhiệm vụ quan trọng nhất là không để cho nhân viên y tế bị lây nhiễm, theo đó, phương tiện ở khu cách ly cần được trang bị đầy đủ theo đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng, luôn có sẵn.
Nhân viên y tế được giao nhiệm vụ vào khu cách ly phải được tiêm vaccine đầy đủ, được đào tạo thuần thục tháo bỏ đồ bảo hộ cá nhân để tránh lây nhiễm. Người bệnh trong khu cách ly phải luôn mang đồ bảo hộ để giảm tải lượng virus vùng bệnh, các cửa của buồng bệnh luôn mở, có thể dùng quạt nhưng không dùng điều hòa để làm loãng nồng độ virus. Đồng thời các bề mặt cần phải được thường xuyên lau, khử khuẩn.
Theo ông Hùng, việc xử lý rác thải y tế, dụng cụ đồ vải sử dụng cho người bệnh cũng cần được lưu tâm. Vấn đề rác thải hiện nay chủ yếu phát sinh là phương tiện bảo hộ cá nhân thải bỏ, cần phải có thùng chứa lớn để bỏ vào thùng, không được bỏ ra sàn nhà. Theo đó, khu cách ly phải cam kết, dự liệu sẵn, phối hợp với công ty vệ sinh môi trường… để luôn đảm bảo vấn đề thu gom chất thải, tránh tình trạng các công ty không đến nhận.
“Trường hợp lây nhiễm trong không khí chỉ khi can thiệp vào đường thở của người bệnh, tiếp xúc gần trong môi trường không khí lưu thông kém. Còn lại với khoảng cách vài chục mét xung quanh sẽ không ảnh hưởng”, ông Hùng cho biết.