Diễn biến mới, cách tiếp cận mới
Cần phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19- đó là ý kiến được GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra trong hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng, chống Covid-19 hôm 2/8.
Giải thích thêm, Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản.
Việc phân tầng điều trị là một trong những điểm mới mà Bộ Y tế nêu ra trong đợt dịch lần này nhằm nỗ lực tìm cách khắc chế con virus quái ác với biến chủng Delta đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành phố. Thực tế những ngày qua cho thấy, do sự lây lan với tốc độ chóng mặt của chủng mới Delta, số lượng bệnh nhân tăng lên nhiều.
Ở nhiều nơi có biểu hiện của sự quá tải bệnh nhân. Nhưng, trong đợt dịch lần thứ 4 này, chúng ta cũng ghi nhận những bệnh nhân ở thể nhẹ; thậm chí, nồng độ virus còn không đủ để lây lan ra cộng đồng hoặc người xung quanh. Cũng vì thế, việc dồn tất cả các bệnh nhân F0 tới một bệnh viện sẽ dễ dẫn đến quá mức chịu đựng của bệnh viện; trong khi, với những bệnh nhân thể nhẹ có thể điều trị ở những tầng dưới và chỉ bệnh nhân nặng mới chuyển lên tuyến trên.
Thực tế ở TP Hồ Chí Minh cho thấy rất rõ điều đó. Kể từ khi phân tầng bệnh nhân, đã có phân tuyến điều trị rõ rệt. Có bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng nhẹ.
Lại có những bệnh viện để chuyên điều trị những ca nặng; thậm chí phải thở máy kể cả thở máy xâm nhập. Với cách điều trị ấy, những ngày gần đây, nhiều F0 đã được về với gia đình. Bản thân các bác sĩ sẽ được giảm tải đôi chút và bệnh nhân nhẹ cũng không lo ngại lây nhiễm chéo với các bệnh nhận thể nặng.
Chính điều đó có lẽ đã củng cố thêm nhận định của Bộ Y tế về hướng điều trị mới. Điều này là hết sức cần thiết trong điều kiện nhiều ca F0 đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng và có những ca không rõ nguồn lây.
“Đợt dịch này ở những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, chúng ta phải xác định tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh về tính chất, mức độ của đợt dịch lần thứ tư.
Cũng từ những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình điều trị bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh mà mới đây, Hà Nội cũng đã bắt đầu bắt tay lập các bệnh viện dã chiến nhằm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Một số bệnh viện dã chiến như tại quận Hoàng Mai (đang xây dựng) và dự kiến là Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô, sẽ thu dung, điều trị bệnh nhân nhẹ. Đây là tháp 1 trong phân tầng 3 tháp mà Sở Y tế Hà Nội đặt ra nhằm thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo đó, bệnh nhân nặng sẽ được đưa lên các bệnh viện chuyên trị Covid-19.
Dịch bệnh đang biến chuyển từng ngày, kể cả với Thủ đô Hà Nội tình hình cũng không hề đơn giản. Chính vì thế, có phương án điều trị trong diễn biến tình hình mới là rất quan trọng. Từ việc chủ động phương án, phân tầng rõ ràng, trách nhiệm rõ sẽ góp phần chủ động tấn công Covid-19 và có kế hoạch sẽ giúp chúng ta bổ sung năng lực, vật lực cho các bệnh viện nhằm đáp ứng được yêu cầu đề ra; mà mục đích cao nhất chắc chắn là bảo vệ sức khỏe nhân dân.