Chợ dân sinh có còn là phương án khả thi trong mùa dịch?
Hiện nay tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội, nguồn lây nhiễm cộng đồng từ các tiểu thương tại chợ dân sinh, chợ đầu mối đang ở mức rất cao, ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Phương án cung ứng hàng hóa thay thế chợ dân sinh
Để bảo đảm an toàn dịch bệnh và duy trì hoạt động tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19 để xử lý ngay các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (như BRG, Aeon, Big C, MM Megamarket…), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm theo Hướng dẫn số 5858/BYT-MT tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải có phương án tăng lượng hàng dự trữ để bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.
Tại buổi họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với TP Hà Nội diễn ra sáng 31/7, bà Nguyễn Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trống sẵn sàng hoạt động khi các chợ dân sinh, chợ đầu mối phải đóng cửa. Đồng thời, chia nhỏ các điểm tập kết, bán hàng để không đứt gãy nguồn cung thực phẩm.
Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tập kết hàng hóa về các kho ở Hà Nội để chủ động hàng hóa, đồng thời giao cho các quận, huyện chủ động nguồn hàng hóa theo phương châm 4 tại chỗ. Theo bà Lan, do các phương án phòng dịch tại chợ được kích hoạt nên khi có một chợ đóng cửa, việc phân luồng hàng hóa vẫn đảm bảo, nguồn cung hàng vẫn đầy đủ.
Đồng thời, huy động tổng lực vận chuyển hàng hóa từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở hàng xuyên đêm vào nội thành, tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.
Duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Ngay trong đêm ngày 2/8/2021, Bộ Công Thương đã phát Công văn số 4648/BCT-TTTN khẩn về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thành phố Hà Nội.
Nội dung Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ: Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương; triển khai phun khử khuẩn, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ đã bị đóng cửa do có ca nhiễm bệnh.
Bên cạnh phương án cung ứng hàng hóa thay thế chợ dân sinh, Bộ Công Thương đã trao đổi với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối và có các phương án bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa trong các tình huống.
Hiện các nhà phân phối trên địa bàn đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế. Do đó nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội vẫn được bảo đảm.
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp phân phối (ngoài một số điểm bán hàng của Vincomerce gồm 8 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng Vinmart+ đang tạm dừng hoạt động để xử lý các biện pháp phòng chống dịch đã được Công ty Vincomerce công bố cụ thể), hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn và luôn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng. Theo ghi nhận thực tế, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường. Tuy có một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng trong vài ngày qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND (ngày 23/7/2021).
Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h - 22h hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm vụ vận tải, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.