Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam: Sau 20 năm, lại ‘mở rộng’ thêm dự án còn dang dở
Dự án Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam sau 20 năm triển khai vẫn chậm tiến độ, dang dở, gây lãng phí. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục được phê duyệt thêm Đề án “mở rộng”.
Báo Đại Đoàn Kết đã có nội dung phản ánh về Dự án Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (tiền thân là Trường Trung cấp nghề Nông dân Việt Nam) thuộc Trung ương Hội nông dân Việt Nam tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội từ ngày 12/8/2005 (khi đó địa lý hành chính thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) với diện tích đất giao thông chưa đền bù (đường giao thông) là 7.260m2; tổng diện tích bồi thường, hỗ trợ thực tế là 21.000m2; kinh phí bồi thường, hỗ trợ về đất là hơn 1,021 tỷ đồng.
Ngày 17/7/2013 UBND huyện Mê Linh có Quyết định “Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đợt 1 khi Nhà nước thu hồi đất với công trình: Xây dựng Trường Trung cấp nghề Hội nông dân Việt Nam” với kinh phí lên tới hơn 11,154 tỷ đồng.
Ngày 1/12/2014 UBND huyện Mê Linh có Quyết định “Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung khác đợt 2 khi Nhà nước thu hồi đất với công trình: “Xây dựng Trường Trung cấp nghề Hội nông dân Việt Nam” với kinh phí hơn 4,551 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng việc dự án chậm triển khai GPMB không những tiến độ “tuyển sinh, đào tạo” của trường bị ảnh hưởng mà còn làm đội nguồn kinh phí đền bù lên hơn 14 tỷ đồng.
Tháng 10/2011 Trung ương Hội nông dân Việt Nam là Cơ quan chủ quản đã có Quyết định “Phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng Trường Trung cấp nghề Hội nông dân Việt Nam”, giao Trường Trung cấp nghề Hội nông dân Việt Nam làm Chủ đầu tư thực hiện dự án trên diện tích đất 21.000 m2 với công trình gồm: Khu dạy học và hành chính (5 tầng, diện tích 6.600 m2); Khu thực hành (1 tầng, diện tích 1.000 m2); Khối nhà ở KTX học viên, khối nhà ở giáo viên (5 tầng, tổng diện tích sàn là 3.450 m2); Sân vườn và các khu phụ trợ khác.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 164,745 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp; thời gian thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014. Trong khi đó, nếu dự án được thực hiện theo đúng thời gian của Quyết định 565-QĐ/HND ngày 28/10/2005 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thì tổng mức đầu tư chỉ hết 24 tỷ đồng.
Sau 16 năm, cả kinh phí GPMB lẫn đầu tư xây dựng đã đã bị đội lên gần 155 tỷ đồng. Hiện công trình vẫn chỉ xây dựng cầm chừng, mọi hạng mục, cơ sở vật chất còn dang dở, hoang phí, chưa thể tuyển sinh.
Đồng thời, nhiều vấn đề đã được đặt ra đối với dự án như: Hệ thống giáo dục các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp hiện nay có nhiều, dư thừa và đều khó khăn trong công tác tuyển sinh, quy mô và chất lượng đào tạo thì việc “lay lắt” để hoàn thiện cho được Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam liệu có rơi vào thực trạng khó khăn trong tuyển sinh đào tạo, sẽ lại bỏ hoang và lãng phí?
Dự án được phê duyệt và dùng ngân sách Nhà nước thì công tác phê duyệt, điều chỉnh dự án; công tác phê duyệt, điều chỉnh giá; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; công tác phê duyệt thiết kế, triển khai xây dựng dự án được thực hiện ra sao? Đâu là vướng mắc với những giải pháp tháo gỡ đã được thực hiện như thế nào? Dự án đã được thanh kiểm tra ra sao và trách nhiệm của cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và đơn vị thi công?...
Ông Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng nhà trường đã viện nhiều lý do từ chối cung cấp thông tin khi PV liên hệ để làm rõ vấn đề trên. Theo ông Đại, việc cung cấp thông tin, hồ sơ về dự án cần có sự đồng ý theo quy định của Trung ương Hội nông dân Việt Nam, mặc dù trước đó Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã giao ông Đại làm việc, cung cấp thông tin về những vấn đề này với cơ quan báo chí.
Nói về nội dung mà báo đã phản ánh trước đó về dự án, ông Nguyễn Văn Đại cho rằng, báo phản ánh đúng, chính xác vấn đề và cho biết thêm: Dự án đã được kiểm toán giai đoạn 1, đã nhiều lần xin gia hạn. Lý do đến giờ chưa hoàn thiện đưa vào sử dụng, tuyển sinh là do được giao vốn theo từng năm chứ không giao vốn tổng thể dự án.
Hiện chỉ có cán bộ của phòng ban làm việc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay cả việc xây dựng cũng phải cầm chừng một phần vì dịch Covid-19 và do thiếu vốn, do chi phí nguyên vật liệu tăng khiến đơn vị thi công cũng “gặp khó”.
Theo ông Đại, do trước đây dự án được phê duyệt bởi tỉnh Vĩnh Phúc nhưng sau này về Hà Nội nên chi phí có sự thay đổi. Và như để quên đi thực tại bất cập của dự án, đồng thời trấn an về dự án vẫn có triển vọng, ông Đại cho biết thêm: Trung ương Hội nông dân Việt Nam cũng đã có Quyết định (số 2778-QĐ/HNDTW ngày 13/11/2020) Phê duyệt Đề án “Xây dựng vườn thực nghiệm, thực hành nghề Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam” với diện tích hơn 2,3 ha.