Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19: Sáng kiến phát huy hiệu quả
Thành phố Cần Thơ vừa thống nhất chủ trương thực hiện dự án "Chế tạo Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19". Trước đó, tại nhiều tỉnh, thành, những buồng lấy mẫu xét nghiệm này đã được sử dụng và phát huy hiệu quả rõ rệt, có thể lấy mẫu xét nghiệm nhiều giờ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với việc lấy mẫu tại hiện trường, giảm tiếp xúc với bề mặt các hiện vật…
Những buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 di động được sử dụng tại Bắc Giang có kích cỡ 1,1 m x 2,2 m, cao 2,3 m, trong buồng ngoài điều hòa còn có hệ thống lấy không khí tươi từ bên ngoài vào tạo áp suất dương đẩy khí trong buồng ra qua các lỗ hở. Buồng được lắp đèn UV để làm sạch không khí, khử khuẩn sau mỗi ca làm việc.
Ưu điểm của buồng là một lúc có thể lấy mẫu được cho 2 bệnh nhân ở 2 hướng khác nhau với khoảng cách 2,2 m; găng tay sử dụng linh hoạt; trang bị loa để nhân viên y tế và người được mẫu có thể dễ dàng trao đổi, vách buồng được làm bằng tấm PU nên khả năng cách nhiệt tốt.
Sau khi sử dụng buồng lấy mẫu xét nghiệm, các y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên (Bắc Giang) nhận xét: Làm việc trong buồng lấy mẫu xét nghiệm hiệu quả cao hơn rất nhiều, môi trường mát mẻ, an toàn, thuận tiện để lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian dài với tình hình thời tiết nắng nóng, oi bức.
Đặc biệt, ưu điểm nổi bật của buồng lấy mẫu xét nghiệm là công nghệ làm mát, bộ điều khiển tự động thông minh có thể điều khiển từ xa giúp nhân viên y tế ít phải tiếp xúc với bề mặt các hiện vật.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cũng triển khai đưa buồng lấy mẫu xét nghiệm vào sàng lọc bệnh nhân SARS-CoV-2. Do bệnh viện có nhiều bệnh nhân lớn tuổi đến khám, chữa bệnh, vì vậy nhóm nghiên cứu đã cải tiến trong thiết kế, chỗ ngồi lấy mẫu không bị vướng, thuận tiện cho cả kỹ thuật viên và bệnh nhân, đặc biệt có ghế tựa để người bệnh ngồi không bị ngã, hợp với người cao tuổi.
Theo đánh giá của TS Lê Thị Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, buồng lấy mẫu của bệnh viện thiết kế có chi phí thấp hơn trên thị trường. Đặc biệt, kỹ thuật viên xét nghiệm không phải mặc quần áo bảo hộ khi lấy mẫu, tiết kiệm rất nhiều chi phí. Buồng còn sử dụng lâu dài, phục vụ cho các bệnh truyền nhiễm khác chứ không chỉ riêng bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Trước đó, dựa theo ý tưởng thiết kế gian hàng lấy mẫu xét nghiệm của Hàn Quốc, Sở Y tế Lào Cai đã nghiên cứu, cải tiến để thiết kế ra bản mẫu thiết kế Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hoàn thiện hơn và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại Việt Nam. Buồng lấy mẫu có 4 vách ngăn bằng khung nhôm nên rất nhẹ và dễ dàng di chuyển, đặc biệt thoáng khí để nhân viên lấy mẫu có thể hít thở thoải mái đồng thời duy trì áp suất dương để ngăn cản sự lây nhiễm Covid-19 qua đường không khí…
Còn tại Cần Thơ, theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị thực hiện dự án "Chế tạo Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19" đã triển khai từ ngày 23/7, đến nay đã có một số buồng lấy mẫu xét nghiệm được hoàn thiện nhưng còn chờ kiểm nghiệm. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong thời gian 30 ngày. Tuy nhiên, để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, các đơn vị thực hiện sẽ rút ngắn thời gian khoảng 3 tuần.
Có thể nói, với chi phí hợp lý, thiết kế gọn nhẹ, di chuyển linh hoạt, buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đã và tiếp tục là mô hình hiệu quả giúp đảm bảo an toàn, tăng hiệu quả làm việc cho đội ngũ nhân viên y tế trong mọi loại hình thời tiết.