Nhãn lồng Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên nền tảng số trong bối cảnh dich Covid-19 đang diễn biến khó lường, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng Sàn thương mại điện tử Sendo triển khai sự kiện tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên. Lần đầu tiên đặc sản của Hưng Yên được bán trên sàn thương mại điện tử Sendo, mở ra thêm kênh bán nông sản giá bình ổn cho thị trường Hà Nội.
Sau sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) lên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên tiếp tục được nhà quản lý và các DN nỗ lực đưa lên kênh trực tuyến. Động thái này đang góp phần giảm thiểu mối lo tìm đầu ra cho nhãn lồng của bà con nông dân Hưng Yên khi đã vào vụ thu hoạch.
Đại diện Sendo cho biết, chương trình vải thiều Thanh Hà – Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, các chương trình Phiên chợ Nông sản hay Tuần lễ Nông sản Việt với các sản phẩm trái cây đặc sản các vùng miền như xoài xanh, mận Sơn La, lê thơm Tai Nung – Lào Cai, bơ Đắc Lắc, bưởi da xanh Bến Tre, nho xanh Ninh Thuận. . . thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” đạt tiêu thụ tốt khi có đến hàng trăm tấn đã trái cây đã được bán qua kênh trực tuyến.
Đầu tháng 8, khi bắt đầu tới mùa nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng, sàn thương mại điện tử Sendo tiếp tục cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết nối với các DN, hợp tác xã mở hướng đưa sản phẩm nhãn lồng Hương Chi - Hưng Yên lên bán trên Sàn thương mại điện tử Sendo. Theo đó, nhãn lồng Hưng Yên - đặc sản tiến vua trước mắt sẽ được mở bán cho khách hàng tại Hà Nội trong các ngày từ 3-8/8/2021.
Hàng tấn nhãn lồng được thu hoạch đều đạt tiêu chuẩn Vietgap, đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được rao bán trên sàn Sendo với giá ưu đãi đặc biệt giảm tới 35% - 50% và hỗ trợ chi phí vận chuyển trong những ngày chạy Chương trình.
Đại diện Sendo chia sẻ, chương trình “Gian hàng trực tuyến” trên sàn thương mại này sẽ góp phần hỗ trợ người nông dân có thêm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng TP Hà Nội có thể mua nhãn online mà vẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị 17.
Các chuyên gia nhận định, việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, giảm nguy cơ ùn tắc khi vào chính vụ thu hoạch, bên cạnh đó còn tạo điều kiện để bà con làm quen với công nghệ, bao gồm cách mở và quản lý gian hàng, đăng bán sản phẩm, đồng thời kết nối bà con với các đơn vị vận chuyển…
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn khác cũng đã có phương án phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, theo các thời điểm khác nhau triển khai tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trong cả mùa nhãn tháng 8 này.
Mặc dù hiện tại việc giao hàng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh giãn cách xã hội, tuy nhiên các Sàn thương mại điện tử vẫn đang không ngừng cố gắng để đảm bảo sau khi được đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng nông sản vẫn sẽ được đảm bảo, giữ hương vị tươi ngon khi giao đến tay khách hàng.