Tăng học phí nhưng không làm mất người tài
Hàng năm, có không dưới nửa triệu học sinh trúng tuyển vào các trường đại học (ĐH), tiếp tục học lên, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, trong số này có nhiều em con nhà gia đình nghèo. Cũng từ nhiều năm nay, danh sách thủ khoa của các trường đại học tiếp tục dài thêm, phần lớn là những em học sinh đến từ vùng nông thôn, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.
Có được hiền tài để làm nguyên khí quốc gia, trước hết là phải phát triển giáo dục. Sự học giờ đã đổi mới. Trường học lấy rèn luyện tư duy khoa học, tư duy cảm xúc, tính tự lực cùng với thói quen vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống làm mục tiêu đầu ra cho giáo dục. Giáo dục ĐH có trách nhiệm kế thừa, phát huy và làm sáng lên những sản phẩm thô ở giáo dục phổ thông, tương lai hiền tài của đất nước.
Lẽ nào, chỉ vì rào cản học phí quá cao của các trường ĐH, khiến các em thủ khoa “chân đất” phải dừng lại trước cổng trường và giảng đường là điều xa xỉ, mơ ước. Đối với các trường ĐH tốp đầu hay các hệ đào tạo chất lượng cao học phí còn cao, cao hơn nữa. Tôi không nghĩ đại biểu quốc hội Lê Quân (đoàn Cà Mâu) chỉ có nhận thức đơn giản: đẩy mạnh tự chủ ĐH để tăng chất lượng đào tạo thì phải tăng học phí cho người học. Nhưng bản thân ông, người đứng đầu một trường ĐH lớn đã tham luận và còn nhấn mạnh rằng : “ . . . học phí là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào ĐH và trở thành “học đai”. . .
Chủ trương và quan điểm như vậy, chúng ta thấy có gì đấy chưa chuẩn. Bởi vì, vô hình chung chúng ta đã dựng lên một barrier chặn lại một lượng lớn những học sinh giỏi, trong đó có cả những mầm nhú hiền tài, do nghèo không có tiền đóng học phí, muốn theo học các cơ sở ĐH, vốn đang có uy tín cao trong nước và quốc tế.
Không riêng gì ở Việt Nam mà ở các nước phát triển với nền giáo dục tiên tiến, cần coi quỹ học phí ở các trường ĐH là quỹ đầu tư phát triển, quỹ nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi trường. Do đó, tăng học phí là tăng vốn quỹ đầu tư, tăng khả năng chi trả cho những sinh viên giỏi, xuất sắc thuộc diện được cấp học bổng hay miễn giảm 100% hay một phần học phí. Như vậy rào chắn học phí không phải ngăn những sinh viên giỏi, những hiền tai tương lai, bất kể họ là con nhà nghèo hay con nhà giầu. Thiết nghĩ, tăng học phí là phải tăng chất lượng đào tạo và không làm bỏ rơi những tài năng, vốn quý của mỗi quôc gia.